In bài viết

Ngăn chặn nạn "taxi dù" tại sân bay

(Chinhphu.vn) - Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Hội Tin học Việt Nam, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu để gắn chíp nhận dạng cho các loại xe taxi được cấp phép hoặc có ngay các biện pháp cần thiết để kiểm soát có hiệu quả, ngăn chặn nạn xe “taxi dù” ngay tại cửa ra vào các sân bay lớn.

22/05/2013 12:19

Ngăn chặn nạn "taxi dù" tại sân bay - Ảnh minh họa

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, tại Thông báo 197/TB-VPCP.

Trong 1 năm qua đã chứng kiến sự tăng trưởng trở lại của khách du lịch nội địa với 32,5 triệu lượt (tăng 7% so với 2011) và quý I/2013 đạt 12,3 triệu lượt (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2012). Tổng thu từ khách du lịch năm 2012 đạt 160.000 tỷ đồng (tăng 16% so với năm 2011). Quý I/2013, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 53.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đầu năm 2013 có sự suy giảm… Có nhiều nguyên nhân được nêu lên như giá dịch vụ du lịch tăng cao; chi phí thị thực nhập cảnh 1 lần vào Việt Nam tăng gấp đôi từ ngày 1/1/2013; tình trạng taxi dù ngang nhiên hoạt động, chèo kéo khách du lịch, bán hàng rong, lừa đảo, ép khách du lịch, tệ nạn xã hội và tội phạm vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương.

Do đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Hội Tin học Việt Nam, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu để gắn chíp nhận dạng cho các loại xe taxi được cấp phép hoặc có ngay các biện pháp cần thiết để kiểm soát có hiệu quả, ngăn chặn nạn xe “taxi dù” ngay tại cửa ra vào các sân bay lớn, tránh tình trạng lừa đảo khách du lịch đã từng xảy ra, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh du lịch Việt Nam.

Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch tại các địa phương, trong đó cần tập trung vào 3 chuyên đề: các địa điểm du lịch phải có nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn; bảo đảm văn minh lịch sự ở những trạm dừng nghỉ và bảo đảm an toàn, an ninh cho khách du lịch tại các trung tâm du lịch lớn là Hà Nội, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác có nhiều khách du lịch.

Tăng cường quảng bá các sự kiện du lịch

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tập trung triển khai và tăng cường thông tin quảng bá về các sự kiện du lịch, giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường du lịch, ứng xử văn minh, lịch sự trên các phương tiện thông tin đại chúng để xây dựng hình ảnh tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam tới khách du lịch quốc tế.

Sớm triển khai thực hiện việc quy hoạch phát triển du lịch các vùng du lịch nhằm tạo thế mạnh riêng cho từng khu vực dựa trên các đặc trưng vùng miền.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức văn minh lịch sự; chỉ đạo các lực lượng chức năng kiên quyết xử lý bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch; phối hợp kiểm tra giám sát các cơ sở dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch tuân thủ chặt chẽ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Phương Hiển