In bài viết

Ngăn chặn từ gốc các vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

(Chinhphu.vn) - Mặc dù được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả ngành nông nghiệp và y tế, song tình trạng vi phạm chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản vẫn còn phổ biến.

29/05/2012 10:20

Ảnh minh họa: Nafiqad.gov.vn

Theo kết quả thanh, kiểm tra mới nhất trong tháng 5 của 20 tỉnh, thành phố cho thấy, trong số 411 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản được xếp loại, số cơ sở xếp loại C (không đạt) chiếm tới 20,9%. Nếu tính riêng từng lĩnh vực, số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm xếp loại C chiếm tới 87%, sản xuất kinh doanh thuốc thú y 37,9%, thức ăn chăn nuôi chiếm tới 29,4%...

Nhiều mối lo về chất lượng thực phẩm

Từ đầu năm 2012 đến nay, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT, đã phân tích kiểm tra 315 mẫu hàng hóa nông sản có nguồn gốc thực vật. Qua đó phát hiện 71 mẫu có dư lượng hóa chất BVTV, song đều dưới ngưỡng cho phép. Ngoài ra, qua kiểm định chất lượng 668 mẫu thuốc BVTV, cơ quan chức năng đã phát hiện 6 lô hàng thuốc BVTV nhập khẩu không đạt chất lượng.

Cục BVTV đã có văn bản tạm ngừng làm thủ tục kiểm dịch thực vật xuất khẩu đối với 5 loại rau đi EU gồm rau húng, ớt ngọt, cần tây, mùi tàu và mướp đắng. Đồng thời, Cục này cũng cử cán bộ kiểm dịch thực vật đi Thái Lan để học tập, trao đổi kinh nghiệm, thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện tốt các yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của EU.

Về thực phẩm, trong khi tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang được kiểm soát thì các cơ quan chức năng lại phát hiện thêm các vụ vận chuyển thịt thối và sử dụng hóa chất độc hại khác. Trong đó có bột tẩy săm – pết dùng để tẩy thịt ôi thiu thành thịt tươi được phát hiện trên thị trường Hà Nội. Ông Phạm Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết với các lô “thịt thối”, Cục Thú y đang phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản vả thủy sản để kiểm tra, làm rõ nguồn gốc, đường dây tiêu thụ các lô hàng này. Đồng thời cho lấy mẫu gửi các phòng thí nghiệm xét nghiệm lại.

Ông Đông cho biết thêm, qua kiểm tra tình hình giết mổ, gia súc gia cầm tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, phát hiện nhiều bất cập như giết mổ dưới sàn, không có móc treo, sai phạm trong đóng dấu kiểm dịch…

Không chỉ trên rau quả, thịt, mà thủy sản cũng được phát hiện “có vấn đề”. Vào giữa tháng 4, Chi cục quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP Hồ Chí Minh đã phát hiện một số mẫu cá điêu hồng tại chợ Bình Điền có dư lượng hóa chất cấm Trifluralin. Theo đó, Chi cục này đã lấy 172 mẫu cá, phát hiện 4 mẫu có Trifluralin, chiếm tỷ lệ 2%.

Ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cho biết Trifluralin là chất có khả năng gây ung thư nhưng chỉ xếp ở mức trung bình, có nguy cơ gây bệnh thấp không phải cực độc. Tuy nhiên, từ tháng 4/2012, chất này đã được đưa vào chương trình giám sát dư lượng thủy sản nuôi tại các vùng sản xuất hàng hóa cung cấp cho các nhà máy chế biến.

Ngoài ra, tỷ lệ mẫu nhiếm chất cấm Trifluralin đang giảm đi rất nhanh, năm 2010 tỷ lệ phát hiện là 9,9%, năm 2011 chỉ còn 2%, và 3 tháng đầu năm nay, tỷ lệ này nhỏ hơn 1%. Với tỷ lệ phát hiện từ đầu năm tới nay, có chăng chỉ là đang tồn tại đơn lẻ, cá biệt trong việc sử dụng, do vậy người tiêu dùng không nên quá bận tâm và lo lắng.

Cần ngăn chặn từ gốc

Một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng vi phạm chất lượng về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp chính là do bất cập từ cơ chế quản lý.

Đơn cử như trong lĩnh vực phân bón, ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón còn thấp và không cụ thể đối với doanh nghiệp. Việc cấp phép đăng ký sản xuất, kinh doanh ở địa phương cũng khá đơn giản. Chính điều này tạo “đất” cho  các doanh nghiệp làm ăn bát nháo hoành hành, gây thiệt hại cho người nông dân.

Hay như trong lĩnh vực thủy sản, sự chồng chéo trong quản lý càng thể hiện rõ nét. Theo quy định, Tổng cục Thủy sản cấp phép cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các chế phẩm xử lý môi trường, Cục Thú y cấp phép cho nhóm thuốc thú y thủy sản. Tuy nhiên, trong thực tế, tình trạng cấp phép “trái tuyến” vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương. Đặc biệt, tình trạng gian lận thương mại, quảng cáo sai sự thật các sản phẩm thuốc thú y thủy sản đang ở mức báo động.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu nhận định thực phẩm “bẩn” đã đi vào các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, đám cưới… nên phải có biện pháp chặn ngay từ gốc chứ không làm theo kiểu bắt từng xe như hiện nay. Thứ trưởng Thu yêu cầu Cục Thú y tăng cường kiểm tra ở các cửa khẩu, nếu các lô hàng vi phạm là hàng tạm nhập tái xuất thì phải đề xuất Chính phủ có phương án xử lý. Ngoài ra, các đơn vị liên quan đến quản lý chất lượng cần chủ động, quyết liệt vào cuộc.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu đã yêu cầu Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phối hợp với các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2012 – 2015 với mục tiêu cụ thể, hoàn thành trong quý III/2012.

Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan và Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tuyên truyền giáo dục hội viên nông dân, phụ nữ đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài ra, tổ chức vận động các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm ký cam kết thực hiện “Không sản xuất rau không an toàn; Không giết mổ gia súc gia cầm không an toàn”.

Đỗ Hương