Lễ hội đền Sóc có nghi thức rất quan trọng là lễ rước hoa tre (làm bằng một thanh tre dẹt, đầu thanh tre vót xơ bông được nhuộm chủ yếu là màu vàng) và trầu cau được cử hành vào sáng mùng 6 tháng Giêng.
Do tính chất thiêng liêng của lễ vật trong lễ rước đã khiến người dân quan niệm nếu nhận được lộc (hoa tre và trầu cau) thì sẽ gặp may, gặp phúc cả năm. Vì vậy, đã xảy ra tình trạng cướp hoa tre.
Theo báo Hà Nội Mới, năm 2015, ở phần rước lễ đã xảy ra hiện tượng giẫm đạp, tranh cướp để giành lộc hoa tre. Để ngăn chặn tình trạng này, năm 2016, 2017, Ban Tổ chức đã phải huy động gần hàng trăm chiến sĩ công an cùng với lực lượng bảo vệ, đoàn thanh niên bảo vệ để lễ rước không còn nạn tranh cướp lộc nữa… Còn sang năm 2018, địa phương sẽ thực hiện giải pháp mới.
Tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 16/1, đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết huyện sẽ cải tiến cách thức rước hoa tre.
Đó là thực hiện việc làm lễ sớm trước 15 phút so với giờ khai hội, tức là vào 7h kém 15. Sau đó, phần tế lễ được cải tiến bằng cách đoàn rước đi từ đền Thượng xuống đền Hạ và vào đền Mẫu rồi hậu cung mà không rước qua sân như mọi năm.
Lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn) diễn ra từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng Mậu Tuất (tức từ 21 đến 23/2/2018) tại Khu di tích đền Sóc.
Còn ở lễ hội chùa Hương, thông tin với báo chí, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, năm nay Ban Tổ chức sẽ làm chặt công tác quản lý để lễ hội diễn ra an toàn.
Theo đó, năm 2017, có hiện tượng xuồng máy, ca nô hoạt động chở khách trên suối Yến. Việc này có thể gây nguy hiểm cho du khách. Do vậy, mùa lễ hội 2018, Ban Tổ chức kiên quyết không cho cá nhân sử dụng loại phương tiện này hoạt động.
Một số cơ quan được phép sử dụng xuồng máy là: Công an, thanh tra giao thông, kiểm lâm, y tế… nhưng phải mặc trang phục của ngành.
Lễ hội chùa Hương 2018 với chủ đề “Lễ hội kỷ cương, văn minh du lịch” khai hội vào mùng 6 tháng Giêng năm Mậu Tuất (tức 26/2/2018).
Nguyễn Văn