![]() |
Với dư nợ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đạt tỷ trọng 73,6% và chiếm 51% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng trong lĩnh vực này, Agribank không chỉ được biết đến là ngân hàng thương mại (NHTM) đóng vai trò chủ lực đối với thị trường tài chính nông thôn mà còn tiên phong phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, hiện đại.
Agribank có mạng lưới rộng lớn với gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch có mặt khắp mọi vùng miền, huyện đảo, là ngân hàng thương mại duy nhất đang có mặt tại 9/13 huyện đảo trên cả nước; có chi nhánh tại Campuchia, quan hệ đại lý với 755 ngân hàng tại 86 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đến nay, Agribank là ngân hàng tiên phong trong quá trình phát triển Đề án thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, tiên phong trong đầu tư trang bị lắp đặt máy ATM và cung ứng sản phẩm dịch vụ (SPDV) ngân hàng hiện đại đến các đối tượng khách hàng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Để theo kịp xu thế phát triển của NHTM hiện đại, Agribank đề ra nhiệm vụ phát triển SPDV đó là đa dạng hóa và nâng cao chất lượng SPDV trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, tiếp tục giữ vị trí là ngân hàng hàng đầu về cung cấp dịch vụ ngân hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Agribank hiện đang triển khai 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, cung ứng trên 200 SPDV ngân hàng tiện ích, đóng góp tích cực phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, đặc biệt là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn ...Có thể kể đến các sản phẩm mang thương hiệu Agribank như: nhóm huy động, tín dụng, thanh toán trong nước, thanh toán quốc tế, thẻ, … Phát triển các hệ thống ATM, CDM, EDC/POS, Internet Banking, E-Mobile Banking, Core Banking…
Vừa hoạt động trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, vừa làm tròn nhiệm vụ chính trị của Ngân hàng thương mại Nhà nước được Đảng, Chính phủ giao phó, để hoạt động kinh doanh hiệu quả trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, Agribank đã có “cuộc cách mạng”, sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động trong nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt cải cách hành chính các hoạt động dịch vụ. Chỉ trong năm 2018, Agribank đã phát triển, gia tăng, hoàn thiện 28 sản phẩm tiện ích mới, nâng tổng số lên 213 sản phẩm dịch vụ, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
Với định hướng và giải pháp đúng đắn, đến 31/12/2018, doanh thu dịch vụ của Agribank tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 103,4% kế hoạch năm 2018, thu ròng ngoài tín dụng tăng trưởng 11,5%.
Với hơn 70% dân số tập trung ở vùng nông thôn, trong khi việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng còn hạn chế, đây sẽ là tiềm năng để các NHTM khai thác. Một trong những đặc điểm của các khách hàng vùng nông thôn là thói quen sử dụng tiền mặt và ngại tiếp xúc với các dịch vụ ngân hàng điện tử. Tuy nhiên, nếu NHTM có chính sách tiếp thị tốt, tuyên truyền để người dân hiểu được những tiện lợi của dịch vụ ngân hàng thì sẽ thu hút được nhiều khách hàng ở nông thôn. Lợi thế của việc tiếp cận đến khách hàng ở khu vực nông thôn là khi đã thỏa mãn được một số khách hàng thì mức độ “lan tỏa” sẽ rất nhanh nhờ kênh “truyền miệng” theo cấp số nhân mà ngân hàng không cần tốn quá nhiều chi phí marketing.
Nắm bắt được đặc tính đó, Agribank đẩy mạnh tiếp thị truyền thông quảng bá sản phẩm dịch vụ thông qua mạng lưới rộng khắp đến tận huyện, xã, tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu sản phẩm dịch vụ ngân hàng tại các cuộc họp của các tổ chức đoàn thể tại địa phương với nhiều hình thức phong phú, dễ hiểu… tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng dễ nhận biết và tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ.
Agribank đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn như: Cho vay lưu vụ đối với hộ nông dân; cho vay chứng minh tài chính; cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ; cho vay về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg, cho vay đối với khách hàng vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; cho vay theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP (nay là NĐ 55), Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP…
Định hướng hoạt động sản phẩm, dịch vụ của Agribank trong năm 2019 đó là giữ vững vị trí là ngân hàng hàng đầu về hỗ trợ phát triển và cung cấp dịch vụ tài chính, tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Phát huy lợi thế về mạng lưới, đa dạng hóa, cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngân hàng bán lẻ chất lượng cao dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, trong đó tập trung triển khai chương trình phát triển khách hàng mở mới tài khoản thanh toán tại khu vực nông thôn, mở rộng cung cấp dịch vụ bán lẻ gắn với cho vay nông nghiệp, nông thôn cho nhóm khách hàng hộ sản xuất.
Anh Minh