Ông Vũ Viết Ngoạn |
Thưa ông, động thái liên tục hạ trần lãi suất của NHNN hướng tới nhiều mục đích, nhưng cũng có những ý kiến trái chiều? Xin ông phân tích thêm vấn đề này?
TS.Vũ Viết Ngoạn: Về việc trần lãi suất hạ liên tục thời gian vừa qua, lãi suất giảm nhanh hơn dự kiến ban đầu của các cơ quan điều hành và điều đó là có cơ sở.
Lãi suất được xác định trên nhiều yếu tố vĩ mô gồm lạm phát, tốc độ tăng trưởng, mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả. Ngoài ra, còn tính toán trên cơ sở tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá CPI giảm nhanh hơn dự kiến, tốc độ tăng trưởng lại thấp hơn dự kiến, do đó hạ nhanh lãi suất là phù hợp xu hướng hiện nay.
Hạ lãi suất không đồng nghĩa nới lỏng chính sách tiền tệ.
Một số tổ chức tín dụng (TCTD) nước ngoài dự báo là sẽ tiếp tục hạ lãi suất 2 % từ nay đến cuối năm, tôi cho rằng bây giờ quá sớm để kết luận điều đó, vì việc điều chỉnh lãi suất căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có các chỉ số thị trường CPI, GDP, tăng trưởng tín dụng…
Có ý kiến cho rằng bên cạnh việc hạ lãi suất cần nới thêm điều kiện để DN tiếp cận vốn. Ngược lại, có ý kiến lại nói không nên nới lỏng để đảm bảo quản trị rủi ro? Xin ông cho biết ý kiến của mình?
TS.Vũ Viết Ngoạn: Riêng về điều kiện tính dụng cấp cho các DN, có 2 luồng ý kiến. Thứ nhất là để các DN tiếp cận vốn vay, ngân hàng xem xét lại, nới lỏng điều kiện tín dụng; thứ hai là quan điểm lúc này cần tiếp tục quản lý rủi ro chặt chẽ, cần thẩm định kỹ năng lực trả nợ của DN.
Tôi cho rằng về nguyên tắc 2 quan điểm đó đều có ý đúng, không thể nới lỏng điều kiện tín dụng khiến dẫn đến rủi ro tín dụng, nhưng cũng không thể áp dụng cứng nhắc các điều kiện rồi “để mặc” các DN gặp khó khăn khách quan, không được tháo gỡ kịp thời.
Các DN gặp khó thường có nhiều nguyên nhân, có thể là chủ quan, do bản chất năng lực tài chính doanh nghiệp yếu kém. Nhưng cũng có những DN tạm thời gặp khó do nguyên nhân khách quan do tác động từ bối cảnh vĩ mô.
Với trường hợp khó khăn khách quan, các ngân hàng cần có sự chia sẻ nhất định, cần thẩm định để xem xét việc cơ cấu lại nợ, nhưng điều đó không nghĩa bất cứ DN nào cũng được cơ cấu lại nợ. Do đó, tôi cho rằng căn cứ vào thực tế cụ thể các trường hợp, phải ứng dụng linh hoạt cho phù hợp với thực tiễn.
Huy Thắng ghi