Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Huy Thắng |
Theo ý kiến của các chuyên gia, khi hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, ngay cả đối với những ngành vốn là thế mạnh của Việt Nam như da giày, dệt may.
Khẳng định vai trò, trách nhiệm của hệ thống ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, Hàm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, các định chế tài chính lớn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp bằng việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ mang tính hội nhập cao như tín dụng, tài trợ XNK, thuê mua tài chính, thanh toán quốc tế, bảo lãnh, kinh doanh ngoại tệ, bảo hiểm, chứng khoán, phái sinh chứng khoán và hàng hóa…
TS. Cấn Văn Lực cũng đưa ra khuyến nghị đối với các ngân hàng cần nắm chắc nội dung các hiệp định thương mại tự do nhằm tư vấn cho doanh nghiệp về mô hình hoạt động, chiến lược kinh doanh, xúc tiến đầu tư-thương mại, quản lý rủi ro...
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhấn mạnh, để phản ứng nhanh nhạy, chính xác, doanh nghiệp ngoài khả năng dự báo cần có được không gian cho sự phản ứng. Muốn vậy, doanh nghiệp phải có cơ cấu đầu tư và mô hình kinh doanh hiệu quả.
Ông Tuyển ví dụ, nếu một doanh nghiệp muốn đầu tư vào sản phẩm công nghệ cao, thuộc tính sản phẩm thay đổi chậm thì phải phân tích rõ lợi thế so sánh (nguồn nguyên liệu, công nghệ, năng lượng có tiết kiệm hơn không…). Còn nếu đầu tư sản xuất sản phẩm tuổi đời ngắn, thuộc tính sản phẩm thay đổi nhanh thì phải đi vào loại hiện đại nhất, mới nhất, quan trọng là phải quản lý được cả dòng tiền.
Vấn đề hội nhập quốc tế của các ngân hàng và doanh nghiệp cũng được lãnh đạo NHNN đặc biệt coi trọng. Tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ngân hàng châu Á lần thứ 17 mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng khẳng định, quá trình hội nhập quốc tế vừa là cơ hội, vừa là áp lực và cả động lực để các cơ quan quản lý cũng như các tổ chức tài chính trong nước không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, để nâng cao năng lực cạnh tranh và đồng hành cùng doanh nghiệp hiệu quả hơn, ngành ngân hàng phải nỗ lực hoàn thiện khung khổ thể chế, nâng cao năng lực xây dựng và hoạch định chính sách, thanh tra giám sát và quản lý hệ thống ngân hàng, tăng cường minh bạch hóa thông tin, năng lực thể chế, đồng thời đẩy mạnh tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, tiến tới áp dụng các chuẩn mực quốc tế cao.
Huy Thắng