In bài viết

Ngân hàng linh hoạt hỗ trợ tín dụng DN lĩnh vực lúa gạo, thuỷ sản ĐBSCL

(Chinhphu.vn) - Chiều ngày 15/9, NHNN tổ chức Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ DN lĩnh vực lúa gạo, thuỷ sản vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị.

15/09/2023 20:03
Ngân hàng linh hoạt hỗ trợ tín dụng DN lĩnh vực lúa gạo, thuỷ sản ĐBSCL - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HT

Tích cực tiếp thu các ý kiến đóng góp

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã và đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách đồng hành, hỗ trợ phát triển kinh tế -xã hội khu vực ĐBSCL, đặc biệt là các ngành hàng kinh tế chủ lực của vùng. Về cơ chế, chính sách tín dụng, NHNN đã không ngừng hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, ngành lúa gạo, thủy sản nói riêng thông qua chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP; triển khai hiệu quả các chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; cho vay để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp… theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Ngoài ra, NHNN cũng đã có chính sách trần lãi suất ngắn hạn VND đối với lĩnh vực ưu tiên (hiện nay tối đa là 4%/năm); chính sách cho vay bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu khi khách hàng có nguồn thu ngoại tệ... NHNN đã chỉ đạo TCTD thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân tiếp cận vốn. Căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế thị trường, ngay đầu năm 2023, NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của thương nhân, DN...

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã có Văn bản số 5631/NHNN-TD ngày 14/7/2023, hướng dẫn ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng; lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay; thời gian triển khai đến hết 30/6/2024. Ngoài ra, các ngân hàng thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng. Đến nay đã có 13 NHTM đăng ký tham gia Chương trình và thực hiện cho vay với doanh số giải ngân đạt gần 5.500 tỷ đồng cho gần 2.000 lượt khách hàng vay vốn.

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp (DN), các TCTD chia sẻ về kết quả đạt được cũng như phản ánh khó khăn mà DN đang phải đối mặt, những vướng mắc trong quan hệ tín dụng với các TCTD để cùng nhau tháo gỡ. Có DN phản ánh có thời điểm thị trường rất tốt, cần vốn cao đột biến để mở rộng thu mua hải sản, nông sản nhưng do hạn mức tín dụng quá chặt chẽ nên không tận dụng được cơ hội kinh doanh.

Ngân hàng linh hoạt hỗ trợ tín dụng DN lĩnh vực lúa gạo, thuỷ sản ĐBSCL - Ảnh 2.

Phối hợp triển khai đồng bộ, quyết liệt giúp DN tận dụng mọi cơ hội

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú NHNN chia sẻ: Thời gian qua dù ngân hàng đã có nhiều chính sách tín dụng nhưng trong bối cảnh khu vực ĐBSCL phát triển mạnh, các DN ngày càng làm ăn lớn hơn, bên cạnh cơ chế chính sách của Chính phủ, cần có sự vào cuộc hiệu quả của các cấp chính quyền, địa phương. Đặc biệt, sự phối hợp tích cực của các ngân hàng, DN để cùng giải bài toán vốn.

NHNN đã chỉ đạo hạ lãi suất và các NHTM thương mại đã tích cực hưởng ứng. Dù cá biệt có khoảng thời gian, một số NHTM cổ phần nhỏ để lãi suất huy động cao hơn mặt bằng chung, "chậm" giảm lãi suất, NHNN nhắc nhở nghiêm khắc, bảo đảm thực hiện đúng chỉ đạo. Tại thời điểm này, vẫn có ngân hàng còn sử dụng nguồn vốn huy động từ thời điểm trước đó với lãi suất cao (8-9%) để cho vay. Do đó, tốc độ hạ lãi suất còn có độ trễ so với kỳ vọng.

NHNN đang tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng nỗ lực hạ lãi suất bao gồm cả lãi suất các khoản vay cũ và mới, từ 1-1,5%, giảm lãi suất nội tệ và ngoại tệ.

"NHNN bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, triển khai các gói tín dụng ưu đãi, lúc đầu dự kiến 10 nghìn tỷ, NHNN tích cực làm việc với các NHTM thiết kế Chương trình tín dụng 15 nghìn tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với mức lãi suất thấp hơn từ 1,5-2%. Các NHTM đã tham gia có trách nhiệm chủ động cho vay, thực hiện đúng cam kết", đại diện NHNN cho hay.

Với các NHTM, Phó Thống đốc ghi nhận các ngân hàng đã có nhiều biện pháp đẩy mạnh hỗ trợ DN, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn như hiện tại, NHTM cần phải chủ động hỗ trợ DN hơn nữa bằng nhiều giải pháp như giảm lãi suất; giảm bớt thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN. Ngân hàng phải xác định giảm lãi suất cho DN chính là hỗ trợ cho mối quan hệ cộng sinh với DN.

Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tại ĐBSCL, cần nắm sát hoạt động cho vay của các TCTD trên địa bàn, đặc biệt là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành thủy sản, lúa gạo; theo dõi sát tình hình thu mua, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn, đảm bảo hoạt động ngân hàng đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng phục vụ thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tại địa phương, không để xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản do thiếu vốn ngân hàng; thường xuyên làm việc với các hiệp hội ngành hàng, DN, tổ chức, cá nhân trên địa bàn để nắm bắt, chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng…

"Các chi nhánh NHNN tại địa phương cần chủ động, linh hoạt, quyết liệt hơn hỗ trợ cho DN, đặc biệt là các lĩnh vực cần ưu tiên. Ví dụ có thời điểm khách hàng uy tín cần vốn lớn trong một số giai đoạn của mùa vụ, nhưng thiếu hạn mức tín dụng, thì các ngân hàng cần rất linh hoạt, có cơ chế nhanh để hỗ trợ", Phó Thống đốc Đào Minh Tú góp ý.

Dưới góc độ vĩ mô, Phó Thống đốc phân tích, ngành ngân hàng phải thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát dưới 4,5%, giữ ổn định tỉ giá... bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, việc điều chỉnh lãi suất cũng phải tính toán phù hợp để bảo đảm cả mục tiêu về tỉ giá lẫn thị trường ổn định cho các DN, đặc biệt là các DN xuất nhập khẩu.

NHNN cũng đang tích cực hoàn thiện khung khổ pháp lý. Hy vọng vào khoảng tháng 10/2023 Luật sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) được thông qua sẽ giúp tháo gỡ một số khó khăn về vốn cũng như bảo đảm an toàn cho các TCTD, tiếp tục nới các điều kiện và trao quyền lớn hơn cho các TCTD.

Phó Thống đốc đề nghị lãnh đạo các địa phương đẩy mạnh kết nối hỗ trợ cho DN, phối hợp tháo gỡ khó khăn thực tế của DN. Các bộ, ngành địa phương tích cực tháo gỡ các vấn đề như hoàn thuế, các thủ tục giấy phép kinh doanh dự án... Các kiến nghị của DN xuất khẩu liên quan đến giao dịch một số loại ngoại tệ như đồng RUB, CNY, lãnh đạo NHNN giao các chi nhánh tổng hợp báo cáo, trên cơ sở đó, NHNN sẽ có hướng dẫn cụ thể, hài hòa các mục tiêu vĩ mô.

"Tinh thần của Chính phủ làm việc rất quyết liệt, do đó, các chi nhánh NHNN, các NHTM, cũng như các địa phương cần tích cực vào cuộc phối hợp, tháo gỡ nhanh vướng mắc cho DN, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Huy Thắng