In bài viết

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng xử lý rủi ro

(Chinhphu.vn) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các ngân hàng căn cứ tình hình kinh doanh và xử lý nợ xấu, xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận năm 2012 ở mức hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu trong năm 2012.

28/11/2012 08:50

Tại văn bản chỉ đạo ngày 27/11 về việc trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng thương mại cổ phần rà soát, đánh giá lại khả năng phát mại của tài sản bảo đảm, giá trị thị trường của tài sản bảo đảm để xác định hợp lý giá trị và tỷ lệ khấu trừ của tài sản bảo đảm, trích lập tối đa dự phòng rủi ro, tạo nguồn để xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro ngay trong năm 2012.

Các ngân hàng trên phải tích cực phân loại nợ đầy đủ và chủ động sử dụng dự phòng cụ thể để xử lý nợ xấu, đặc biệt là nợ nhóm 5 theo Quy định về việc phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng.

Các ngân hàng cũng cần chủ động phối hợp với khách hàng để xem xét cơ cấu lại nợ; thu hồi nợ đến hạn và quá hạn; tích cực xử lý tài sản bảo đảm; đồng thời áp dụng các biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ các khoản nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro được theo dõi ngoại bảng cân đối kế toán để thu hồi vốn theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 13/11 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết số liệu nợ xấu do Ngân hàng Nhà nước đưa ra tính đến ngày 30/9 là 8,82%, thời gian qua đã giải quyết được một phần nợ xấu nhưng “nguy hiểm hơn” chính là tốc độ tăng nợ xấu đang ở mức cao.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, việc trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng được kiểm soát rất tốt trong thời gian qua. Từ đầu năm đến nay riêng trích lập dự phòng rủi ro mới của các tổ chức tín dụng đã tăng lên khoảng 14 nghìn tỷ đổng, đưa tổng số dư trích lập dự phòng rủi ro còn đến thời điểm hiện nay, kể cả trích lập dự phòng chung lẫn trích lập dự phòng riêng, xấp xỉ 75 nghìn tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 12 nghìn tỷ đồng nợ xấu từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro của chính bản thân các tổ chức tín dụng.

Thanh Hoài