In bài viết

Ngân hàng Nhà nước ghi nhận kiến nghị của quỹ tín dụng nhân dân

(Chinhphu.vn) – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ nghiên cứu kiến nghị của các quỹ tín dụng nhân dân liên quan đến việc xác lập tư cách thành viên để đề xuất, trình cấp có thẩm quyền khi sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng cho phù hợp với thực tế hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân.

25/10/2019 07:02

Theo phản ánh của Quỹ tín dụng nhân dân Vân Diên (Nghệ An), trong nhiều năm qua, hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân luôn tuân thủ quy định của Luật Hợp tác xãLuật Các tổ chức tín dụng cũng như các văn bản pháp luật có liên quan, trong đó việc kết nạp thành viên và giải quyết cho thành viên ra khỏi quỹ do hội đồng quản trị quỹ tín dụng nhân dân quyết định và báo cáo đại hội thường niên hàng năm (quy định tại Khoản 7, Điều 36 Luật Hợp tác xã 2012).

Điều này giúp việc cho thành viên vay vốn được thực hiện nhanh chóng, kịp thời bảo đảm tính tương trợ, cung cấp nguồn vốn kịp thời, hạn chế tín dụng đen trên các địa bàn có quỹ tín dụng nhân dân.

Tuy nhiên theo Công văn số 2636/TTGSNH5 về việc xử lý kiến nghị liên quan đến hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân, Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước đã căn cứ vào Điều 80 và Điều 82 của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định việc xác lập tư cách thành viên phải được đại hội thành viên thông qua.

Theo Điều 32 Luật Hợp tác xã và Điều 80 Luật Các tổ chức tín dụng quy định về đại hội thành viên của quỹ tín dụng nhân dân không quy định việc thông qua xác lập tư cách thành viên.

Hiện tại theo Công văn 2636/TTGSNH5, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh thành phố đã quán triệt các quỹ tín dụng nhân dân không được cho vay các thành viên mới khi chưa được đại hội thành viên thông qua. Việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn của nhân dân, gây nhiều khó khăn cho các quỹ tín dụng nhân dân (nhất là các quỹ tín dụng nhân dân mới thành lập) trong việc cho vay thành viên.

Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Quỹ tín dụng nhân dân Vân Diên kiến nghị, việc kết nạp thành viên, giải quyết cho thành viên ra khỏi tổ chức theo quy định tại Điều 32 và 36 của Luật Hợp tác xã (do hội đồng quản trị xét và chỉ báo cáo đại hội thành viên) là phù hợp với mô hình hoạt động hiện nay của quỹ tín dụng nhân dân.

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời như sau:

Khoản 1, Khoản 2, Điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng quy định về áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng, điều ước quốc tế, tập quán thương mại quốc tế và các luật có liên quan:

“1. Việc thành lập, tổ chức và hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng phải tuân theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và các luật khác có liên quan về thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng thì áp dụng theo quy định của Luật này”.

Khoản 2, Tiết đ Điều 80 Luật Các tổ chức tín dụng quy định về đại hội thành viên:

“Đại hội thành viên thảo luận và quyết định những vấn đề sau đây

đ) Thông qua danh sách kết nạp thành viên mới và cho thành viên ra khỏi ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân theo đề nghị của hội đồng quản trị; quyết định khai trừ thành viên”.

Khoản 7 Điều 82 của Luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng quản trị:

“7. Xét kết nạp thành viên mới và giải quyết thành viên xin ra, trừ trường hợp khai trừ thành viên và báo cáo để đại hội thành viên thông qua”.

Điều 32 Luật Hợp tác xã quy định về quyền hạn và nhiệm vụ của đại hội thành viên:

“16. Chấm dứt tư cách thành viên, hợp tác xã thành viên theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 16 của Luật này”.

Điều 36 Luật Hợp tác xã quy định về quyền hạn và nhiệm vụ của hội đồng quản trị:

“7. Kết nạp thành viên mới, giải quyết việc chấm dứt tư cách thành viên được quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 16 của Luật này và báo cáo đại hội thành viên”.

Như vậy, Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Hợp tác xã đều có quy định về thẩm quyền kết nạp và cho thành viên ra khỏi, quyết định khai trừ thành viên. Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng nêu trên, nội dung hướng dẫn về thẩm quyền xác lập tư cách thành viên của quỹ tín dụng nhân dân tại Công văn số 2636/TTGSNH5 ngày 4/7/2019 của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là phù hợp và có cơ sở pháp lý.

Trên cơ sở nội dung Công văn 2636/TTGSNH5, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An trao đổi, giải thích để Quỹ tín dụng nhân dân hiểu và triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ nghiên cứu kiến nghị của các quỹ tín dụng nhân dân để đề xuất, trình cấp có thẩm quyền khi sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng cho phù hợp với thực tế hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân.

Chinhphu.vn