Các ngân hàng, DN đặt ra các chiến lược, tầm nhìn dài hạn với kỳ vọng phục hồi tăng trưởng
Thời gian qua, một số ngân hàng, công ty chứng khoán, đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2025, tại đây, các đơn vị đã đặt ra các chiến lược, tầm nhìn dài hạn với kỳ vọng phục hồi tăng trưởng.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của PGBank: Kết thúc Quý I/2025, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) công bố kết quả kinh doanh khả quan, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau một năm nỗ lực cơ cấu và mở rộng hoạt động.
Thu nhập lãi thuần đạt 458,3 tỷ đồng-tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong nhiều năm qua, nhờ ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng khách hàng và đa dạng hóa nguồn thu. Đặc biệt, nguồn thu từ hoạt động tín dụng chiếm tới 90,6% tổng thu nhập.
Không chỉ vậy, thu nhập ngoài lãi cũng chuyển biến tích cực nhờ tăng trưởng trong hoạt động dịch vụ, đầu tư chứng khoán, ngoại hối và các mảng kinh doanh khác. Tổng thu nhập hoạt động đạt 505,7 tỷ đồng, tăng 34,4%; lợi nhuận thuần từ kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro đạt 242,5 tỷ đồng- tăng mạnh 53,4%.
Tính đến 31/3/2025, tổng tài sản của PGBank đạt 74.890 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Trong khi đó, dư nợ tín dụng đạt 45.347 tỷ đồng, tăng 29%. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2,09%, tiếp tục duy trì trong ngưỡng an toàn.
Ngoài ra, lợi nhuận trước thuế quý I đạt 95,9 tỷ đồng – hoàn thành 13,4% kế hoạch năm. Những con số tích cực này là kết quả của việc chú trọng chuyển đổi số, phát triển nội lực và tối ưu hóa hiệu quả vận hành của PGBank.
ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank)
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025, thông qua nhiều nội dung quan trọng liên quan đến chiến lược phát triển giai đoạn 2025 và nhân sự cấp cao.
Theo báo cáo trình bày tại Đại hội, năm 2024, VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 30.400 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước, vượt 15% kế hoạch đã giao. Tổng tài sản đạt 2,39 triệu tỷ đồng-tăng 17,4%; dư nợ tín dụng 1,73 triệu tỷ đồng- tăng 16,8%.
Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu được giữ ở mức 1,1% với tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu đạt 171,7%, nằm trong nhóm cao nhất hệ thống. VietinBank tiếp tục duy trì CASA tăng trưởng mạnh mẽ, đạt gần 400.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo VietinBank cho hay: Năm 2024 đánh dấu bước tiến lớn trong chuyển đổi số, với 45 sáng kiến quan trọng đã triển khai, bao gồm ra mắt DigiGOLD, giải ngân online và bảo lãnh điện tử cho DN. Sự xuất hiện của Nhà máy số (Digital Factory) và phương pháp làm việc Agile giúp ngân hàng rút ngắn chu trình sản phẩm, đồng thời cải thiện năng suất cán bộ.
Đại diện VietinBank nhấn mạnh: Năm 2025, VietinBank bước vào giai đoạn "tăng tốc", theo chiến lược phát triển 2021 - 2025. Với tầm nhìn đến năm 2030, ngân hàng đặt mục tiêu trở thành định chế tài chính hiện đại, đa năng và hiệu quả hàng đầu trong khu vực. Các trụ cột chiến lược bao gồm tăng trưởng thu nhập lõi, gắn kết khách hàng, quản trị hiệu quả nguồn lực và tăng cường quản trị rủi ro.
Ngoài ra, VietinBank cam kết tiếp tục "chuyển đổi kép" song song chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên với nội dung trọng tâm là tái cấu trúc toàn diện bộ máy. Phó Chủ tịch HĐQT Vũ Văn Tiền nhận định, mô hình hoạt động hiện nay còn bảo thủ, cồng kềnh và thiếu hiệu quả. Do đó, ngân hàng đã tiến hành cắt giảm đến 30-40% nhân sự tại một số đơn vị. Đồng thời, các tầng nấc trung gian được tinh gọn để tối ưu vận hành.
Ngoài ra, ABBank cũng cải tiến phương pháp tuyển dụng, gắn nhiệm vụ với trách nhiệm cụ thể, tăng cường công nghệ và chuyển đổi số nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Mặc dù gặp khó khăn trong việc chia cổ tức, ban lãnh đạo vẫn đặt sự an toàn lên hàng đầu và cam kết cải thiện hiệu quả trong năm nay.
Chủ tịch HĐQT Đào Mạnh Kháng cho biết, mặc dù lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng 58%, đạt 809 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch. Vì vậy, năm 2025, ABBank đặt mục tiêu tăng lợi nhuận lên 1.800 tỷ đồng-tăng 131%, đồng thời nâng tổng tài sản lên 200.000 tỷ đồng, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số và kiểm soát nợ xấu.
Tổng Giám đốc Phạm Duy Hiếu cho biết ngân hàng đã thu hồi hơn 5.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2024, hướng đến nâng cao chất lượng tín dụng. Việc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cũng được cân nhắc nếu thị giá cổ phiếu được cải thiện.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI
Tại ĐHĐCĐ thường niên của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, lãnh đạo công ty này nhấn mạnh chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ trong giai đoạn 2025 – 2030, hướng đến trở thành định chế tài chính đa năng số 1 Việt Nam.
Lãnh đạo SSI cho biết năm 2024, dù thị trường chứng khoán biến động, công ty vẫn đạt doanh thu 8.711 tỷ đồng (tăng 19,6%), lợi nhuận trước thuế 3.544 tỷ đồng (tăng 24%), giữ vững vị trí đầu ngành. Các mảng kinh doanh chủ lực đều tăng trưởng ổn định, đặc biệt là dịch vụ chứng khoán, đầu tư và quản lý quỹ.
Năm 2025, công ty đặt mục tiêu doanh thu 9.695 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.252 tỷ đồng, tăng 11% và 20% so với năm trước. Kịch bản xây dựng trên VN-Index dao động 1.450 – 1.500 điểm và thanh khoản trung bình 19.500 tỷ đồng/phiên.
Bên cạnh việc mở rộng thị phần bán lẻ và tổ chức, SSI còn đẩy mạnh số hóa, khai thác khách hàng qua kênh digital và nâng cao trải nghiệm người dùng. Ngoài ra, SSI Digital sẽ rót vốn vào khoảng 10 dự án Blockchain và AI trong nước, tối thiểu 10 triệu USD, mở rộng thị trường và hợp tác quốc tế.
Không chỉ công ty mẹ SSI, các công ty con như SSIAM và SSI Digital đều đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh cả về tài sản và sản phẩm mới, đóng góp vào tầm nhìn tổng thể của SSI trở thành "hệ sinh thái tài chính hiện đại - bền vững".
Về triển vọng kinh doanh trong bối cảnh thuế quan 2025, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết kế hoạch kinh doanh năm 2025 được xây dựng từ tháng 11-12 năm ngoái. "Tất nhiên, có lo lắng về thuế quan nhưng đặt trong bối cảnh Chính phủ khuyến khích DN, tạo hành lang pháp lý cùng với quyết tâm tăng trưởng cao, công ty vẫn tự tin với kế hoạch đặt ra", đại diện SSI nói.
Về kỳ vọng trên thị trường tài sản số, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI cho biết đang trong những bước đầu tìm hiểu và định vị thị trường. Công ty sẽ chỉ chính thức tham gia khi được cho phép và phải mang lại hiệu quả cho công ty và cổ đông.
Lãnh đạo SSI cho rằng: Xu thế tài sản số là không thể chống lại. Nhưng cần một quá trình nghiên cứu và khảo sát dài. Hiện SSI đã có vườn ươm các DN công nghệ, chuẩn bị trước khi pháp luật được thông qua.
"Mục tiêu là đảm bảo cho công ty có vị thế uy tín hàng đầu trong lĩnh vực tài chính. Công ty không đi muộn hay đi chậm hơn so với các định chế khác", ông Nguyễn Duy Hưng khẳng định.
Anh Minh