In bài viết

Ngành Da giày đặt mục tiêu xuất khẩu 29 tỷ USD trong năm 2025

(Chinhphu.vn) - "Năm 2025 ngành da giày vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch khoảng 29 tỷ USD", bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam thông tin.

18/12/2024 11:29
Ngành Da giày đặt mục tiêu xuất khẩu 29 tỷ USD trong năm 2025- Ảnh 1.

Năm 2024, xuất khẩu của ngành da giày đạt trên 26 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2023 - Ảnh minh họa

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho hay, năm 2024, xuất khẩu của ngành da giày đạt trên 26 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2023. 

Hiện, trong chuỗi cung ứng da giày thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 3 về sản xuất với 1,4 tỷ đôi/năm, sau Trung Quốc và Ấn Độ; đứng thứ 2 về xuất khẩu với 1,3 tỷ đôi/năm, chỉ sau Trung Quốc.

Vượt khó khăn, cán đích với con số 26 tỷ USD

Con số 26 tỷ USD mà ngành Da giày-túi xách đạt được năm vừa qua trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như đơn giá thấp, thậm chí bị ép giảm giá. Các đơn hàng đều đang có xu hướng yêu cầu chất lượng và đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững cao hơn, tạo thêm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Chi phí đầu vào tăng cao, nguồn lao động khan hiếm... đều là những khó khăn mà doanh nghiệp ngành dệt may phải vượt qua trong năm 2024. 

"Đáng mừng là từ giờ đến cuối năm đơn hàng tiếp tục ổn định, một số doanh nghiệp lớn đã ký được hợp đồng đến giữa năm 2025", bà Xuân cho biết.

Chi tiết hơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày-Túi xách cho hay: Các thị trường xuất khẩu của ngành da giày năm 2024 đều có sự tăng trưởng. Một số thị trường lớn như Mỹ, EU giữ được mức tăng trên 10%. Năm nay Trung Quốc tiếp tục được xếp vào nhóm thị trường xuất khẩu tỷ USD của ngành, chỉ xếp sau Mỹ, EU và chiếm 9% tỷ trọng. 

Tuy nhiên, một số thị trường xuất khẩu khác vẫn có sự sụt giảm, thậm chí không thể xuất khẩu được do chịu tác động của xung đột như Nga, Uzbekistan.

Đáng chú ý, năm 2024 ngành da giày đã mở rộng xuất khẩu sang một số thị trường ở khu vực Nam Mỹ và Trung Đông. Thị trường Trung Đông được đánh giá là thị trường rất tiềm năng khi có nhu cầu tiêu dùng lớn và đa dạng.

Trong đó, giày thể thao - mặt hàng thế mạnh của Việt Nam chiếm ưu thế, mặt hàng này cũng có thể giúp xuất khẩu của ngành tăng trưởng nhanh và mạnh sang Trung Đông trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, thị trường này còn tiêu dùng mặt hàng dép tuy nhiên số lượng không lớn.

5 thách thức lớn

Bà Phan Thị Thanh Xuân chia sẻ thêm: Ngành da giày Việt Nam đứng ở vị trí cao trong chuỗi cung ứng, do đó phải chịu tác động sớm từ những tiêu chuẩn xanh, tiêu chuẩn phát triển bền vững của những nhà nhập khẩu.

Để đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững, doanh nghiệp da giày đối mặt với 5 thách thức lớn. Đầu tiên, những thị trường xuất khẩu lớn của ngành như Mỹ, EU, Nhật Bản đang đặt ra yêu cầu rất cao về phát triển bền vững, trong đó, có chuyển đổi xanh, ứng dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Các đạo luật của phía EU cũng yêu cầu tính tuân thủ rất cao.

Thách thức thứ hai liên quan đến chi phí, trong đó, chi phí tuân thủ các tiêu chuẩn xanh đã là một nguồn lực khổng lồ, hầu như quá sức với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng đó là chi phí đầu vào ngày một cao từ nhân công, nguyên vật liệu, logistics. "Việc lệ thuộc vào các hãng vận chuyển nước ngoài trong hệ thống logistics khiến doanh nghiệp bị động và không chủ động được giá. Trong khi đó, giá xuất khẩu hầu như không tăng, thậm chí bị ép giảm", bà Xuân nhấn mạnh.

Trong nước, nguồn lao động đang trở nên ngày càng khan hiếm, đặc biệt là lao động ở khu vực thành phố hầu như không tuyển dụng được. Doanh nghiệp phải di chuyển về vùng xa để tận dụng nguồn lao động sẵn có.

Tình trạng thiếu hụt nguyên phụ liệu cũng rất khó khăn, khi nguồn cung trong nước mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Bà Xuân cho rằng đây là "bài toán" không mới nhưng vẫn chưa có lời giải hữu hiệu của doanh nghiệp da giày trong vấn đề phát triển bền vững và ổn định.

Cuối cùng là thách thức ứng dụng khoa học - công nghệ và nghiên cứu phát triển trong doanh nghiệp da giày. Với năng lực còn hạn chế, doanh nghiệp chưa chủ động được công nghệ cho sản xuất mà vẫn phụ thuộc vào nguồn bên ngoài. 

Khả năng đáp ứng tiêu chuẩn xanh là chìa khóa thành công

Nhìn nhận ở góc độ ngành, bà Xuân cho hay, bối cảnh thị trường năm 2025 không có nhiều thay đổi so với năm 2024. Đơn hàng không quá khó khăn nhưng doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí tăng cao. 

"Năm 2025 ngành da giày vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch khoảng 29 tỷ USD", bà Xuân thông tin.

Để đạt mục tiêu này, ngành da giày còn phụ thuộc vào yếu tố nhu cầu tiêu dùng và khả năng tuân thủ tiêu chuẩn xanh từ các thị trường nhập khẩu. Do đó, doanh nghiệp ngành da giày mong muốn nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức quốc tế để đáp ứng các yêu cầu. Trong đó, các cơ quan chức năng phối hợp với tổ chức quốc tế nghiên cứu đưa ra được 'tiêu chuẩn xanh' thống nhất và có chính sách hỗ trợ hài hòa để doanh nghiệp có thể tận dụng.

Bản thân doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực nội tại. Sau khi đưa ra được các tiêu chuẩn thống nhất, Hiệp hội Da giày - túi xách cũng mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ đào tạo, huấn luyện để áp dụng tiêu chuẩn, giúp doanh nghiệp có thể đạt các chứng chỉ, đủ điều kiện để triển khai đơn hàng.

Bên cạnh đó, nguồn lực giúp doanh nghiệp đổi mới khoa học công nghệ cũng rất cần thiết. Doanh nghiệp mong muốn Bộ Công Thương tham mưu, đề xuất với Chính phủ xây dựng các quỹ thúc đẩy phát triển xanh, tạo điều kiện để giảm lãi suất vay giúp doanh nghiệp có cơ hội áp dụng công nghệ mới, công nghệ xanh trong sản xuất.

Cuối cùng là vấn đề thông tin, thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm… cơ quan nhà nước phối hợp với hiệp hội ngành nghề cập nhật nhanh và chuẩn xác thông tin về quy định xanh, tiêu chuẩn xanh của các thị trường nhập khẩu giúp doanh nghiệp tiếp nhận kịp thời, từ đó chuẩn bị kế hoạch cho quá trình phát triển.

Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, theo nhiều chuyên gia, sự chủ động và tích cực của doanh nghiệp ngành Da giày - túi xách là điều kiện quan trọng nhất trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững. Bởi lẽ, chính sách chỉ là công cụ hỗ trợ, nhà nước không thể làm thay doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp, đối tác châu Âu thường đặt ra quy trình bài bản rất đầy đủ và chi tiết, cụ thể. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa quen với cách tư duy quy trình sản xuất phải được thiết kế một cách bài bản, chi tiết cụ thể, từ khâu đầu cho đến khâu cuối. Thậm chí nhiều doanh nghiệp hay bỏ qua công đoạn kia để tiết giảm chi phí sản xuất, chi phí nhân công…

Mặt khác, so với các nước châu Âu đã nhiều năm phát triển công nghiệp công nghệ cao với những thiết bị hiện đại thì trình độ sản xuất và công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp Việt Nam còn có khoảng cách khá xa. Để chuyển đổi và bắt nhịp với những yêu cầu của đối tác, doanh nghiệp phải thay đổi cả công nghệ, cả quy trình sản xuất, phải đầu tư thêm rất nhiều trang thiết bị với chi phí tốn kém...

Phan Trang