Trình bày báo cáo công tác năm 2022 của ngành kiểm sát, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, diễn ra vào sáng 8/11, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao Lê Minh Trí đã nêu bật một số kết quả cụ thể đạt được trong năm của ngành.
Theo đó, toàn ngành đã kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 148.478 nguồn tin về tội phạm (tăng 2,8%); ban hành 117.673 văn bản yêu cầu cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm (tăng 7,2%); trực tiếp kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm 1.617 cuộc tại cơ quan điều tra (tăng 23,2%)… Yêu cầu khởi tố 560 vụ án; ra quyết định hủy 94 quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố vụ án không đúng pháp luật. Trực tiếp ra 18 quyết định khởi tố vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra.
Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 114.060 vụ/181.298 bị can (tăng 3,2% số bị can). Ban hành 82.050 yêu cầu điều tra. Trực tiếp, tham gia lấy lời khai 41.637 người. Trực tiếp hỏi cung 31.412 bị can, không phê chuẩn 432 lệnh, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn; hủy 589 quyết định tạm giữ, 23 quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án không đúng pháp luật của cơ quan điều tra; số vụ án truy tố đúng thời hạn đạt 100% (vượt 10%) và số bị can truy tố đúng tội danh đạt 99,99% (vượt 4,99%).
Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 93.015 vụ/175.853 bị cáo (tăng 4,7% về số vụ, 11,1% về số bị cáo). Thông qua công tác kiểm sát xét xử đã phát hiện nhiều vi phạm và đã ban hành 875 kháng nghị phúc thẩm, được hội đồng xét xử chấp nhận đạt tỷ lệ 75,5% (vượt 5,5%); ban hành 132 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, được hội đồng xét xử chấp nhận 77,6% (vượt 2,6%).
Công tác của cơ quan điều tra VKSND Tối cao có nhiều tiến bộ: Tỉ lệ điều tra khám phá các loại tội đạt 75,4% (vượt 5,4%); tỉ lệ điều tra khám phá các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 91,9% (vượt 1,9%); tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 82,6% (tăng 23% so với cùng kỳ và vượt 22,6% so với chỉ tiêu của Quốc hội).
Tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Toà án nhân dân Tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Ngành kiểm sát đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và đã được Quốc hội thông qua; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng 11 thông tư liên tịch, 39 nghị định, nghị quyết, thông tư hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Tố tụng dân sự…
Đề cập tới một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của ngành, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nêu rõ, năm 2023, ngành kiểm sát tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm là: Tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành trong thực hành quyền công tố, đặc biệt là nhiệm vụ, quyền hạn của viện kiểm sát trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; giải quyết đúng yêu cầu và tiến độ các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Đồng thời, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành trong kiểm sát hoạt động tư pháp; tích cực chủ động kiến nghị, kháng nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục vi phạm và các cơ quan hữu quan loại trừ các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm qua đó bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong quá trình tham gia các quan hệ pháp luật dân sự, kinh tế, thương mại, góp phần vào sự phát triển kinh tế trong nước cũng như hội nhập kinh tế quốc tế.
Thực hiện nghiêm chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các đạo luật về tư pháp, nhất là những vấn đề có nhận thức chưa thống nhất.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, coi trọng công tác cán bộ và tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm sát viên và người đứng đầu các cấp kiểm sát; tăng cường công tác luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp tối cao, cấp cao về địa phương và ngược lại.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành; triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin trong ngành kiểm sát nhân dân định hướng đến năm 2030; tiếp tục triển khai xây dựng, hoàn thiện các phần mềm quản lý nghiệp vụ và phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của VKSND các cấp.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cũng nêu lên một số kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, trong đó có việc xem xét chỉ đạo rà soát và kịp thời ban hành, bổ sung điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng các yêu cầu: Kỷ cương, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, đầy đủ và có hành lang pháp lý an toàn, hạn chế rủi ro cho người thực hiện để đảm bảo năng động, sáng tạo nhằm tạo động lực phát triển đất nước.
Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý hình sự theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung; đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục.
Tăng cường sự chỉ đạo, giám sát của Quốc hội đối với các bộ, ngành hữu quan trong việc xây dựng pháp luật, giải thích, hướng dẫn áp dụng thống nhất những quy định pháp luật còn vướng mắc trong nhận thức giữa các cơ quan tư pháp.
Hải Liên