In bài viết

Ngành Lâm nghiệp tiếp cận với kinh tế xanh

(Chinhphu.vn) - Lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2 cho Quỹ Đối tác carbon trong Lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn CO2, tương đương 51,5 triệu USD.

27/12/2023 19:12
Ngành Lâm nghiệp tiếp cận với kinh tế xanh- Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Lâm nghiệp - Ảnh: VGP/ Đỗ Hương

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Lâm nghiệp.

Theo ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), thông tin thêm: Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ.

Năm vừa qua, ngành Lâm nghiệp cũng đã chủ động nắm bắt tình hình điểm nóng và khoanh vùng các địa bàn trọng điểm về chặt phá rừng, các tụ điểm cất giữ, trung chuyển lâm sản lớn trên những địa bàn trọng điểm. Tiếp tục duy trì tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42,02%. Tổng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng năm 2023 là 4.130,4 tỷ đồng.

Ứng dụng khoa học, công nghệ trong lâm nghiệp có bước phát triển mạnh, nhiều đề tài nghiên cứu đã thực sự đóng góp và áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Hợp tác quốc tế về lâm nghiệp phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, qua đó tăng cường hợp tác phát triển sản xuất và thúc đẩy thị trường xuất khẩu lâm sản.

Bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2023, do ảnh hướng của hiện tượng El Nino, thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng khô hanh kéo nên nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao. Vẫn còn tồn tại những điểm nóng về phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép tại một số địa phương, nhất là khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung bộ. Thực trạng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng bỏ việc, thôi việc xảy ra ở nhiều nơi, nhiều khu vực khó tuyển dụng lao động mới.

Kết cấu hạ tầng cho phát triển lâm nghiệp chưa được đầu tư đúng mức, nhất là tại các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp hạ tầng cơ sở yếu kém, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất giống còn thiếu và lạc hậu.

Nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển nên Chính phủ các nước đã ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, dẫn đến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu; xung đột Nga – Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp,... Người tiêu dùng tại thị trường Hoa Kỳ và EU đang thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có các sản phẩm gỗ.

Cùng với đó, chính sách bảo hộ của các quốc gia nhằm bảo hộ cho các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, do vậy, đã ảnh hưởng tới thương mại sản phẩm gỗ của Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 14,39 tỷ USD, giảm 15,8% so với năm 2022, trong đó, nhập khẩu ước đạt 2,191 tỷ USD. Toàn ngành xuất siêu ước đạt 12,199 tỷ USD.

Ngành Lâm nghiệp tiếp cận với kinh tế xanh- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Nêu thực tế còn nhiều khó khăn trong việc nắm bắt những điểm nóng về vi phạm lâm luật, các địa bàn trọng điểm về chặt phá rừng, các tụ điểm cất giữ, trung chuyển lâm sản trên địa bàn trọng điểm, ông Nguyễn Văn Trang, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm vùng I đề nghị: "Nhiều nguy cơ tiềm ẩn xâm hại đến rừng trong bối cảnh nhân lực của kiểm lâm còn hạn chế, đặc biệt là các phương tiện được cấp từ năm 2003 đến nay đã cũ nát, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vệ và phát triển rừng. Tôi kiến nghị bổ sung thêm nhân lực và các trang thiết bị mới để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao".

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị nhìn nhận, 20 năm qua chưa một năm nào giá trị xuất khẩu "tụt xuống" như năm nay, điều này càng "thôi thúc" ngành lâm nghiệp phải nhanh chóng tái cơ cấu từ thị trường, sản phẩm phụ trợ...

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho rằng cơ cấu lại là bước cần thiết để hoàn thiện về tổ chức, từ đó quyết định thành công của chuyên môn. Thứ trưởng nhìn nhận thời gian tới vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy, ngành lâm nghiệp cần rà soát lại các chỉ tiêu năm 2024 để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị yêu cầu Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm những "những việc phải làm ngay", các nội dung liên quan đến sửa đổi Luật Đất đai, trong đó, liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp. Ngành lâm nghiệp hiện còn 4 Nghị định chưa được ban hành, ông Trị cũng đề nghị Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm "ngồi lại" với nhau để xem xét đang "ách tắc" ở đâu. Đối với những Thông tư, Nghị định đã được ban hành, Thứ trưởng yêu cầu phải "nghe hơi thở cuộc sống" để xem phù hợp với thực tiễn hay chưa để kịp thời bổ sung, sửa đổi.

Năm 2024, ngành lâm nghiệp đề ra 7 chỉ tiêu và 11 giải pháp để thực hiện. Cụ thể, tiếp tục duy trì tỷ lệ che phủ rừng của cả nước ổn định 42,02%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5% đến 5,5%; Trồng rừng tập trung là 245 nghìn ha; Trồng cây phân tán đạt 140 triệu cây; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 23 triệu mét khối; thu dịch vụ môi trường rừng là 3 nghìn 200 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu lâm sản: 17,5 tỷ USD.

Đỗ Hương