Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Ngành ngoại giao cần phát huy vai trò tiên phong trong xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại bởi ngành ngoại giao là lực lượng chủ lực và xung kích trên mặt trận đối ngoại. Ảnh: VGP/Hải Minh |
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh nội dung trên trong Phiên họp toàn thể về công tác xây dựng ngành “Đổi mới, sáng tạo hướng tới xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại” diễn ra sáng 18/12.
Phiên họp nằm trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 31. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh dự và phát biểu chỉ đạo Phiên họp.
Phiên họp toàn thể về công tác xây dựng ngành ngoại giao tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng đối với việc thực hiện chủ trương xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, cũng như thiết thực cho phát triển đất nước như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, môi trường, y tế,…
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, đây là Phiên họp có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành ngoại giao bởi xây dựng và phát triển ngành ngoại giao luôn là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi trên mặt trận đối ngoại.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, cùng với đất nước, ngành ngoại giao đang bước vào giai đoạn chiến lược mới. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Đây là một chủ trương mới, phản ánh sự trưởng thành của ngoại giao cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng là yêu cầu vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài đối với đối ngoại nói chung, ngành ngoại giao nói riêng và phù hợp với xu thế phát triển của các nền ngoại giao trên thế giới.
Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại
Để thực hiện chủ trương đúng đắn này của Đại hội XIII, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, ngành ngoại giao cần phát huy vai trò tiên phong trong xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại bởi ngành ngoại giao là lực lượng chủ lực và xung kích trên mặt trận đối ngoại. Vì vậy, một trong những nội dung trọng tâm của Hội nghị Ngoại giao 31 là thảo luận phương hướng, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và phát triển ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại.
Trên tinh thần bám sát chủ trương, đường lối Đại hội XIII của Đảng, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc và Hội nghị Ngoại giao 31, từ những kết quả, kinh nghiệm, bài học trong thời gian qua, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn gợi mở một số vấn đề đối với công tác ngoại ngoại giao trong thời gian tới để cùng thảo luận góp ý:
Thứ nhất, tính toàn diện của ngoại giao Việt Nam trước hết thể hiện ở chủ thể thực hiện, bao gồm không chỉ Bộ Ngoại giao mà cả các bộ, ngành liên quan; trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế-xã hội; với tất cả đối tác, địa bàn và khu vực. Nhiều năm nay, ngành ngoại giao đã và đang triển khai đồng bộ và gắn kết chặt chẽ các trụ cột, binh chủng ngoại giao, bao gồm ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân, nhằm thực hiện nhiệm vụ giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao vị thế đất nước.
Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội đất nước trong giai đoạn mới cùng với những biến chuyển sâu sắc của tình hình thế giới đang đặt ra yêu cầu về mở rộng nội hàm, lĩnh vực hoạt động của ngành ngoại giao. Trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Mạnh dạn đột phá, sáng tạo trong công tác, tìm ra cách làm mới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới, hướng đi mới”.
Như vậy, bên cạnh các lĩnh vực truyền thống, ngành ngoại giao phải chủ động, tích cực tìm cách làm mới, hướng đi mới, lĩnh vực mới đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước như ngoại giao công nghệ, ngoại giao số, ngoại giao môi trường, ngoại giao y tế, ngoại giao năng lượng... Vì vậy, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn mong lãnh đạo các bộ, ngành liên quan chia sẻ với ngành ngoại giao những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp về thúc đẩy triển khai đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, y tế… cũng như gợi mở hướng đi, cách làm, nhất là cơ chế phối hợp giữa ngành ngoại giao và các bộ, ngành liên quan trong các lĩnh vực quan trọng nói trên.
Toàn cảnh Phiên họp toàn thể về công tác xây dựng ngành “Đổi mới, sáng tạo hướng tới xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại”. Ảnh: VGP/Hải Minh |
Thứ hai, tính hiện đại của ngoại giao Việt Nam thể hiện ở sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống, bản sắc ngoại giao của dân tộc, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, đường lối đối ngoại của Đảng ta qua các thời kỳ và tinh hoa ngoại giao thời đại. Vận hành ngành ngoại giao trong khuôn khổ thể chế ngày càng hoàn thiện; tổ chức bộ máy tinh gọn, hợp lý, hiệu quả với phương thức hoạt động khoa học, chuẩn hóa và số hóa, có năng lực đổi mới, sáng tạo và chủ động thích ứng với chuyển biến mau lẹ của tình hình.
"Đây là những yêu cầu cao nhưng rất cấp thiết, đòi hỏi không chỉ có quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của ngành ngoại giao, mà cả sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành. Chúng tôi rất mong các đồng chí thảo luận phương hướng, giải pháp về kiện toàn tổ chức bộ máy, khuôn khổ thể chế, pháp luật, phương thức vận hành của ngành ngoại giao, cơ chế phối hợp liên ngành trong hoạt động đối ngoại, nhất là việc vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách, quy định chung của Đảng và Nhà nước về cải cách, hiện đại hóa nền hành chính cho phù hợp với điều kiện đặc thù của ngành ngoại giao, để hướng tới một ngành ngoại giao hiện đại, chuyên nghiệp", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề xuất.
Thứ ba, vấn đề then chốt là đội ngũ cán bộ bởi cán bộ là cái gốc của mọi việc, thành hay bại đều do cán bộ. Nhiệm vụ đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước và chủ trương xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại đặt ra yêu cầu rất cao về xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức và trí tuệ; hiện đại, chuyên nghiệp về phong cách và phương pháp làm việc, có trình độ đạt tới tầm khu vực và quốc tế. Để đáp ứng yêu cầu này, cần có nguồn lực đầu tư xứng đáng cùng với hệ thống cơ chế chính sách bài bản, đồng bộ.
Tại Phiên họp toàn thể hôm nay, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao mong muốn các đại biểu đóng góp ý kiến, gợi mở phương hướng, giải pháp cụ thể, thiết thực về cơ chế, chính sách, nhất là về đổi mới tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, luân chuyển, đãi ngộ cán bộ, trên cơ sở vận dụng cơ chế, chính sách chung của Đảng và Nhà nước phù hợp với đặc thù của ngành Ngoại giao và yêu cầu công tác đối ngoại trong tình hình mới.
Trước đó, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc vừa diễn ra thành công tốt đẹp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có phát biểu chỉ đạo toàn diện đối với công tác đối ngoại, trong đó có vấn đề tổ chức bộ máy, hệ thống các cơ quan đối ngoại và công tác cán bộ đối ngoại. Tại các phiên họp toàn thể của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 trong những ngày vừa qua, các đồng chí Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Ban Bí thư cũng đã quan tâm và có những chỉ đạo định hướng về công tác xây dựng Đảng, tổ chức và cán bộ ngoại giao.