In bài viết

Ngành nông nghiệp dồn sức cho mục tiêu xuất khẩu 54-55 tỷ USD

(Chinhphu.vn) - Ngày 5/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023.

05/07/2023 18:23
Ngành Nông nghiệp dốc lực cho hơn 100 ngày cuối năm - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: Mở những con đường khác để nông sản ra thị trường, chứ không chỉ là những phương cách truyền thống - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phân tích về câu chuyện tỉnh Bắc Giang đã chủ động kết nối nhiều hình thức đa dạng, mới lạ, thu hút sự tham gia của các nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, đến từ nhiều vùng miền khác nhau, để xúc tiến tiêu thụ vải thiều.

"Đây là một gợi ý để không chỉ bà con nông dân Bắc Giang, mà nhiều địa phương khác có thể khai thác tốt các nền tảng mạng xã hội trong giao dịch, góp phần thúc đẩy quảng bá hình ảnh nông nghiệp, nông sản của địa phương, của quốc gia. Các kênh bán hàng, các hình thức thương mại điện tử, giới thiệu, quảng bá nông sản tương tác đa chiều trên mạng xã hội, không phải là mục tiêu cuối cùng, mà là chiếc cầu để người nông dân chủ động nâng cấp, cập nhật, mở những con đường khác để nông sản ra thị trường, chứ không chỉ là những phương cách truyền thống, quen thuộc lâu nay", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Tư duy người sản xuất nông nghiệp phải chuyển sang kinh tế nông nghiệp, tiếp cận sát thị trường được người đứng đầu ngành nông nghiệp gửi thông điệp đến toàn ngành.

Theo đó, trong 6 tháng cuối năm, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng các chương trình, đề án, văn bản; trong đó có 4 Quy hoạch ngành cấp quốc gia; Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đề án phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp...

Về thị trường, quan tâm nhiều hơn đến thị trường trong nước. Cập nhật chính sách nông nghiệp của các quốc gia, đưa ra các giải pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp. Xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, tăng cường xuất khẩu nông sản đa giá trị; tận dụng các FTAs. Hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng mới; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc xuất khẩu.

Ngành Nông nghiệp dốc lực cho hơn 100 ngày cuối năm - Ảnh 2.

Toàn cảnh cuộc họp - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Về sản xuất, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu toàn ngành theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn, bão lũ, thiên tai, nguồn nước, xâm nhập mặn để kịp định hướng thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, chủ động công tác ứng phó, xây dựng các phương án kiểm soát rủi ro thiên tai.

Kiểm soát tốt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, tăng đàn gia súc, theo dõi diễn biến cung cầu mặt hàng thịt lợn, tránh đột biến về giá cả; thực hiện Kế hoạch hành động nói không với IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC.

Bộ trưởng  Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các đơn vị chuyên môn đề xuất các giải pháp đáp ứng, bảo đảm các yêu cầu mới về sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, gắn với việc tuân thủ cam kết chống phá rừng; quan tâm công tác khuyến nông, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm; quản lý tốt việc cấp mã vùng trồng, vùng nuôi, hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc.

Về đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án; nâng cao tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công; phấn đấu tỉ lệ giải ngân cả năm đạt mục tiêu đề ra. Về xây dựng xây dựng nông thôn mới, thực hiện có hiệu quả các chương trình chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới, triển khai Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới. Thực hiện Kế hoạch giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước về Chương trình nông thôn mới.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Kiện toàn bộ máy các đơn vị thuộc Bộ đồng bộ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện Đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0-3,5%, trong đó giá trị sản xuất (GTSX) trồng trọt tăng 1,49%; sản lượng lúa 42,9 triệu tấn; GTSX chăn nuôi tăng 7,01%; sản lượng thịt lợn 4,5 triệu tấn và sản lượng thịt gia cầm 2,095 triệu tấn; GTSX thủy sản tăng 3,27%; tổng sản lượng thủy sản 9,05 triệu tấn (nuôi trồng 5,37 triệu tấn, khai thác 3,68 triệu tấn); GTSX lâm nghiệp tăng 3,22%; sản lượng gỗ khai thác 22 triệu m3.

Năm nay, ngành nông nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 54-55 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm, như nông sản chính 25 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; thủy sản 10 tỷ USD; các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD.

Đỗ Hương