Theo S&P Global Market Intelligence, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất Việt Nam-PMI ghi nhận sự tăng trưởng trở lại vào đầu năm 2024, do tình hình kinh tế cải thiện khiến số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại.
Trong tháng đầu tiên của năm 2024, Chỉ số PMI của Việt Nam quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm, lên mức 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12. Mức tăng trưởng không cao, nhưng đủ cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất đã có sự cải thiện sau 5 tháng.
Nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu hồi phục là yếu tố then chốt giúp số lượng đơn hàng tăng. Các nhà sản xuất đang lạc quan về triển vọng tăng trưởng sản lượng trong năm 2024, với hy vọng nhu cầu sẽ cải thiện hơn nữa.
Đánh giá về sự chuyển biến tích cực của ngành sản xuất Việt Nam trong tháng đầu năm, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết: "Đây là bước khởi đầu đáng khích lệ của năm 2024 cho ngành sản xuất của Việt Nam khi số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đã có những cải thiện tích cực. Tuy nhiên, các mức tăng tương ứng chỉ là nhẹ và không đủ để thuyết phục các công ty tuyển thêm nhân viên hay gia tăng hoạt động mua hàng".
Theo ông Andrew Harker, trong khu vực sản xuất của Việt Nam, tăng trưởng sản lượng chủ yếu tập trung vào các nhà sản xuất hàng hóa trung gian. Đặc biệt, tồn kho hàng mua giảm mạnh nhất kể từ tháng 6 năm ngoái. "Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức khiêm tốn nên vẫn còn quá sớm để nói liệu điều này có thể hiện sự quay trở lại bền vững của tăng trưởng hay không", ông Andrew Harker nhận xét.
Kết quả này báo hiệu sự phát triển đầy hứa hẹn của ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang chuẩn bị cạnh tranh hiệu quả hơn trên toàn cầu.
Chia sẻ quan điểm với ông Andrew Harker, ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam), cho rằng ngành sản xuất Việt Nam đang chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường thế giới, đặc biệt từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm như châu Âu.
Ông Gabor Fluit dự đoán trong năm 2024 nhu cầu từ thị trường châu Âu sẽ được cải thiện đáng kể khi kinh tế khu vực này cải thiện hơn so với vài năm qua. Đây là một dấu hiệu tích cực, phản ánh sự phục hồi dần dần của châu Âu, một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Tuy nhiên, Gabor Fluit khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chuẩn bị tốt để có thể đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu như khả năng phục hồi và thích ứng, sẵn sàng ứng phó với những thay đổi đột ngột trên toàn cầu để khai thác tốt nhu cầu ngày càng tăng của châu Âu.
Phù hợp với tín hiệu lạc quan từ báo cáo của S&P Global Market Intelligence và dấu hiệu tích cực từ thị trường châu Âu, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam trong tháng 1 được cải thiện đáng kể.
Dữ liệu được Tổng cục Thống kê công bố gần đây ghi nhận tín hiệu tích cực về "sức khỏe" của ngành sản xuất. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 ước tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ, đóng góp 15,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Đáng lưu ý, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam bắt đầu nhập khẩu nhiều hơn. Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) nhìn nhận, đây là bước "chạy đà" cho xuất khẩu đạt tăng trưởng khá trong năm 2024.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1/2024 đạt 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng tăng 17,62 tỷ USD), trong đó xuất khẩu đạt 33,57 tỷ USD, tăng 42% , nhập khẩu 30,65 tỷ USD tăng 33,3% so với cùng kỳ.
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 28,84 tỷ USD, chiếm 94,1%. Có ba mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỉ trọng 43,9% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Nhập khẩu vải trong tháng 1 đạt 1,2 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ. Theo ông Gabor Fluit, đây là dấu hiệu tích cực cho thấy ngành dệt may Việt Nam đang trên đà tăng trưởng đáng kể. Kim ngạch nhập khẩu tư liệu sản xuất cho ngành điện tử, máy tính và linh kiện trong tháng đạt 8,25 tỷ USD, tăng 25,7%. Giá trị nhập khẩu cho việc sản xuất máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 4 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ.
"Điều này cho thấy rõ sự phục hồi kinh tế của Việt Nam đang đi đúng hướng. Để tiếp tục duy trì đà tăng trường này, Việt Nam cần tiếp tục tập trung vào việc đổi mới, xây dựng quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn với các thị trường xuất khẩu trọng điểm và nâng cao giá trị xuất khẩu thông qua chế biến", ông Gabor Fluit nhận định.
Cũng theo ông Gabor Fluit, sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực của ngành sản xuất của Việt Nam gắn liền với sự tăng trưởng đáng kể của dòng vốn FDI vào Việt Nam. Với mức tăng trưởng hơn 30% từ năm 2022 đến năm 2023, các nhà đầu tư quốc tế đang đặt cược lớn vào tương lai của Việt Nam. Điều này phần nào lý giải cho sự gia tăng nhập khẩu tư liệu sản xuất.
"Kinh tế Việt Nam đang lấy đà tăng trưởng trong tương lai gần bằng cách tăng cường nhập khẩu nguyên liệu sản xuất và không quên chú ý đến cơ hội xuất khẩu tại thị trường đang phục hồi như châu Âu", ông Gabor Fluit bình luận.
Việt Nam đang chuẩn bị tăng cường xuất khẩu sang châu Âu và tận dụng mối quan hệ ngày càng bền chặt và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu.
Ông Gabor Fluit tin rằng kim ngạch thương mại song phương sẽ sớm cán mốc 100 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng này, Việt Nam có thể và nên tận dụng tối đa các cơ hội mà hiệp định thương mại mang lại, giải quyết mọi trở ngại thương mại phát sinh và bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao nhất.
Minh Quang