Mục đích của hoạt động kiểm tra nhằm thu thập thông tin, đánh giá tình hình tổ chức, triển khai thực hiện và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị để kịp thời hướng dẫn, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý; chỉ đạo khắc phục những hạn chế, bất cập, góp phần xây dựng, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính.
Theo kế hoạch, các đơn vị tập trung kiểm tra công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính, công tác cải cách thủ tục hành chính, việc triển khai thực hiện quy định về: kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật; giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức; công khai thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính; bộ phận một cửa và tiêu chuẩn cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa và nơi trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức; tuyên truyền phổ biến quy định về thủ tục hành chính.
Cùng với đó, kiểm tra việc chấp hành, thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác văn thư, công tác bảo vệ bí mật nhà nước; việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác lưu trữ...
Thời kỳ kiểm tra từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2023 đối với công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính và công tác văn thư, bảo vệ bí mật nhà nước.
Kiểm tra từ ngày 1/1/2015 đến thời điểm ngày 31/12/2023 đối với công tác lưu trữ.
Bộ Tài chính yêu cầu việc kiểm tra phải bảo đảm khách quan, đầy đủ và đúng với quy định của pháp luật.
Hoạt động kiểm tra phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan; không trùng lặp, chồng chéo về nội dung, thời gian, thời kỳ với các hoạt động kiểm tra khác thuộc phạm vi, quyền hạn của các cơ quan đã được pháp luật quy định.
Thời gian kiểm tra mỗi đơn vị từ 2 đến 5 ngày làm việc tùy theo tình hình thực tế tại đơn vị.
Lan Phương