Cụ thể, công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế, xã hội của các cấp, các ngành. Nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, đảm bảo tiến độ, chất lượng thanh tra; chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự theo đúng quy định. Việc tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận có nhiều ý kiến: như các dự án theo hình thức BOT, BT; dự án hạ tầng giao thông; đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng đất đai; khai thác tài nguyên, khoáng sản; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; việc mua bán, chuyển nhượng, mua sắm tài sản công; tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ... Toàn ngành phấn đấu hoàn thành 100% các cuộc thanh tra theo kế hoạch, các cuộc thanh tra diện rộng, thanh tra đột xuất được giao.
Tăng cường công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra, nhất là việc xử lý cán bộ vi phạm và việc thu hồi tiền, tài sản, đất đai; việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách.
Đối với công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung tham mưu giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85% và tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật đạt tỷ lệ trên 90%.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là công tác kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.