Ngay từ đầu buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhắc tới nội dung này có tính chất quyết định tới việc khẳng định vai trò quan trọng của ngành đối với xã hội và nền kinh tế. “Trong mọi thời kỳ, ngành phải phấn đấu nâng cao chất lượng và độ tin cậy của chỉ tiêu thống kê. Không có thông tin thì không thể ra được quyết định”, Phó Thủ tướng nói.
Rõ ràng, bên cạnh việc bằng các giải pháp để đảm bảo chất lượng của số liệu thống kê thì độ tin cậy của số liệu chính là sự phản ánh tính trung thực của các con số để các đối tượng sử dụng nhìn nhận được bản chất vấn đề, làm căn cứ để tìm giải pháp thực hiện.
Còn nhớ cách đây hơn một năm, dư luận xã hội, thậm chí cả đại biểu Quốc hội đã đặt ra vấn đề sai lệch giữa các số liệu thống kê, trong đó có số liệu về chỉ số giá tiêu dùng và nghi ngại có sự “bóp méo” số liệu để lấy thành tích, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi ấy đã phải đăng đàn giải thích khẳng định không có chuyện cơ quan thống kê quốc gia “nhào nặn” số liệu và Bộ trưởng không có chỉ đạo “bóp méo” số liệu thống kê.
Nói về tính trung thực của số liệu, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ Nguyễn Huy Lương “dốc ruột”: Đôi khi, thống kê nói sự thật thì phải “trả giá” trong phân biệt ứng xử, trong ánh mắt hay lời nói không thiện chí của các đối tượng tiếp nhận số liệu. Nhiều khi công bố số liệu thật cho cấp ủy, chính quyền địa phương thì “phải lựa, phải rắn” mới làm được.
Cùng bày tỏ về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến, thành viên Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, người có nhiều năm kinh nghiệm công tác và quản lý khối thống kê của ngành ngân hàng nói: Trong công tác giảm nghèo, khi cần thành tích thì ta có thể lấy con số đẹp hơn và khi cần hỗ trợ thì ta lại muốn một con số khác.
Tiếp tục nói về tính độc lập, trung thực của ngành Thống kê, ông Nguyễn Đồng Tiến nêu lại chuyện cũ: “Việc công bố con số lạm phát được giao Tổng cục Thống kê thực hiện, nhưng khi chúng tôi hỏi Tổng cục thì các anh ấy nói đang chờ lãnh đạo Bộ phê duyệt”, từ đó Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến đề nghị tiếp tục xem xét lại tính độc lập của cơ quan Thống kê và cho rằng: “Người làm công tác thống kê phải bản lĩnh, không được mềm thì nắn rắn thì lại buông”.
Nhận định tính nguy hại của con số thống kê mà sai sự thật vì lý do chủ quan, ông Tiến dẫn câu nói của một nhà kinh tế tư bản: “Trong các loại dối trá thì có 3 cấp độ là: Dối trá thông thường, dối trá tinh vi hơn và cao nhất là thống kê”, qua đó khẳng định tầm quan trọng của thống kê và nếu sai lệch thì hậu quả sẽ rất lớn.
Nhưng câu chuyện độc lập, trung thực không phải chỉ đặt ra cho mỗi Cơ quan thống kê quốc gia mà có tính phổ quát cho toàn ngành thống kê nói chung bao gồm thống kê bộ, ngành trung ương, thống kê của sở, ngành, địa phương, xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp,… Hiện vẫn còn tính cát cứ trong chia sẻ số liệu thống kê giữa các cơ quan bộ, ngành, địa phương với nhau đã được các đại biểu thừa nhận tại cuộc họp.
Chính sự cát cứ này đã khiến cho số việc xây dựng dữ liệu thống kê mang tính chất quốc gia không được đầy đủ, làm ảnh hưởng tới chất lượng con số, làm giảm độ tin cậy và ở mức độ nào đó là tính trung thực của của con số và đạo đức nghề nghiệp của những người làm thống kê. Bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ thống kê thương mại & dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho hay, có hiện tượng che giấu, không muốn khai thật thông tin, số liệu… nên cán bộ thống kê khá vất vả nếu muốn có con số thống kê chính xác.
Muốn đạt được mục tiêu này, cần đẩy nhanh việc thực hiện đổi mới công tác thống kê theo hướng hiện đại đối với cả hệ thống thống kê ở bốn chỉ tiêu: Đồng bộ hóa, chuẩn hóa, quy trình hóa và tin học hóa; thực hiện nghiêm chỉnh Luật Thống kê (sửa đổi) năm 2015 với trách nhiệm và vai trò của Cơ quan Thống kê Trung ương trong việc thẩm định số liệu thống kê của Bộ, ngành trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Bên cạnh đó là thực hiện hiệu quả 3 Nghị định số 94, 95, 97 mà Chính phủ vừa ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Thống kê, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thống kê và nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Trong con mắt của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Lê Tuấn- người hơn 30 năm qua và tới tận bây giờ vẫn gắn bó với ngành thống kê thì cán bộ thống kê là những người “chăm chỉ, hiền lành, cần cù, tỉ mỉ và hiền lành” và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng hai lần khẳng định: “5.300 cán bộ của ngành thống kê, chưa kể cán bộ thống kê cấp bộ, ngành, địa phương,… và những cán bộ đã về hưu là vốn quý của quốc gia”. Giờ đây, để đáp ứng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nền kinh tế mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra, người làm thống kê cần tiếp tục củng cố, bồi đắp tính trung thực, độc lập để đáp ứng được sứ mệnh của mình. Chính phủ sẽ tạo mọi thuận lợi về cơ chế, điều kiện thuận lợi cho cán bộ ngành thống kê thực hiện nhiệm vụ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã khẳng định.
Quốc Thanh