In bài viết

Ngành VHTTDL Bà Rịa Vũng Tàu: Đưa văn hóa về cơ sở nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân

Đưa văn hóa về cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thực hiện trong thời gian gần đây, nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân địa phương, đồng thời xóa dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

19/02/2011 09:22
Ngành VHTTDL Bà Rịa Vũng Tàu: Đưa văn hóa về cơ sở nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân

Theo số liệu của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL), toàn tỉnh hiện có 222 đội văn nghệ quần chúng cấp xã, bình quân số buổi biểu diễn đạt 670 buổi/năm, phục vụ 352.865 lượt người xem. Ngoài ra, các Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng (TTVHHTCĐ) xã, phường còn xây dựng thử nghiệm nhiều mô hình mới vừa có tác dụng tăng cường sức hút công chúng, tạo hiệu quả xã hội cao vừa mang lại hiệu quả kinh tế trong hoạt động văn hóa như: Hội thi thời trang, nét đẹp tuổi thơ, thi hát karaoke... Ngoài những hoạt động do địa phương chủ động thực hiện, thời gian qua, ngành VHTTDL còn phối hợp với các địa phương để “đưa văn hóa về cơ sở” bằng những hoạt động thiết thực. Anh Lê Văn Thành, đội trưởng Đội thông tin lưu động tỉnh, cho biết, ngoài thời gian tập luyện và biểu diễn tại TP. Vũng Tàu, trung bình mỗi tháng đội có 10 suất diễn ở các vùng nông thôn trong tỉnh. Ngoài ra, hàng năm Đoàn ca múa nhạc tỉnh cũng xây dựng nhiều chương trình, suất diễn để phục vụ người dân vùng nông thôn vào các dịp lễ, tết…

Chỉ tính từ đầu năm 2011 đến nay, hàng chục hoạt động văn hóa – nghệ thuật mừng Đảng – mừng Xuân và Khai hội Văn hóa Du lịch (VHDL) đã được tổ chức ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh như: Hội thi nam thanh lịch - nữ duyên dáng; Hội thi giọng hát hay mùa xuân; Liên hoan hát dân ca; Hội thi gói bánh tét; Hội thi cắm hoa; Liên hoan ẩm thực xuân; Liên hoan, biểu diễn lân – sư – rồng; Trưng bày triển lãm báo xuân; Hội thi hóa trang Táo quân... Đặc biệt, trong chương trình Khai hội VHDL những năm gần đây có nhiều điểm mới như tái hiện nghi thức bắn súng thần công; lễ hội bánh tét bắp; Lộc An - huyền thoại những con tàu; Bình Giã khúc ca khải hoàn; Bà Rịa – Bốn phương hội tụ… được lần lượt tổ chức tại các huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Châu Đức và TX. Bà Rịa.

Sau nhiều năm đóng cửa tắt đèn vì xuống cấp, tháng 7-2010 Nhà hát Long Điền (đường Võ Thị Sáu, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền) đã mở cửa hoạt động trở lại với diện mạo mới, hiện đại và khang trang hơn. Nhà hát Long Điền rộng 1.600m2 có sức chứa khoảng 1.000 khán giả, với hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại cùng nhiều hạng mục phụ trợ khác cũng được nâng cấp với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng là một công trình văn hóa hiện đại, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân địa phương. Cuối năm 2010, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã đưa cuộc thi Người dẫn chương trình Phát thanh – Truyền hình về tổ chức tại Nhà hát huyện Long Điền, sau đó là chương trình nghệ thuật “Ấm tình mùa đông” và “Âm vang miền Đông” cũng được tổ chức tại đây. Các hoạt động này đã thu hút đông đảo người dân địa phương đến thưởng thức.

Ông Trần Văn Thông, Giám đốc Sở VHTTDL cho rằng, để tiếp tục mục tiêu “đưa văn hóa về cơ sở” không thể không tính đến việc “chuẩn hóa” các điều kiện về tổ chức nhân sự, kinh phí, cơ sở vật chất… Do đó, trong giai đoạn 2010 – 2015, để nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa ở cơ sở ngành sẽ tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động cho 64 TTVHHTCĐ đã có trụ sở, đồng thời hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động 100% TTVHHTCĐ xã, phường trong năm 2015. Trong hoạt động văn hóa, bên cạnh nhiệm vụ chính trị được giao như tổ chức tuyên truyền, cổ động, triển lãm ngoài trời thì các hoạt động biểu diễn, liên hoan, hội thi, hội diễn cũng cần được nâng cao về chất lượng và số lượng. Đây sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần làm giảm sự cách biệt về hưởng thụ văn hóa giữa nông thôn và thành thị.

Theo BRVT