Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Võ Văn Thông như sau:
Theo khoản 1, Điều 111 Bộ Luật Lao động năm 2012, người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm (còn gọi là nghỉ phép năm), hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
- 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
- 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;
- 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
Điều 112 Bộ luật này quy định: Cứ 5 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 111 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 1 ngày.
Cụ thể việc ông Võ Văn Thông hỏi, ông làm việc tại một cơ quan Nhà nước từ tháng 1/2005, tính đến hết tháng 12/2014, ông có thời gian làm việc cho cơ quan đó là 10 năm. Nếu làm việc trong điều kiện bình thường, đủ 12 tháng trong năm 2014 thì năm 2014 ông Thông được nghỉ phép 14 ngày làm việc, hưởng nguyên lương, bao gồm 12 ngày theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 111 Bộ luật Lao động, cộng với 2 ngày được tăng thêm do có thâm niên 10 năm đã làm việc ở cơ quan đó theo quy định tại Điều 112 của Bộ luật này.
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.