In bài viết

Ngày quốc tế Hạnh phúc: Nghĩ về yêu thương và chia sẻ

(Chinhphu.vn) - Hạnh phúc của nhân dân chỉ trọn vẹn khi là công dân của một nước độc lập và có đời sống vật chất ngày càng đầy đủ, có đời sống tinh thần lành mạnh. Nhân dân phải là người chủ thực thụ của đất nước và của quá trình phát triển. Mọi người đều có điều kiện để phát triển toàn diện, hướng tới chân, thiện, mỹ.

20/03/2021 06:40
Ảnh minh họa. Nguồn: bvhttdl.gov.vn
Những lời phát biểu trên của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Ngày quốc tế Hạnh phúc lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam năm 2014 có thể được xem là nhận thức của Chính phủ Việt Nam. 

So với nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam có nhiều biến cố xảy ra trong lịch sử. Chỉ tính trong thế kỷ 20 đã có bao lần đổi thay quan trọng về thể chế, chính sách xã hội, chuyển biến kinh tế, địa vị người dân trong phát triển (từ thuộc địa nửa phong kiến sang dân chủ cộng hòa, từ nô lệ sang làm chủ vận mệnh, từ chiến tranh sang hòa bình, từ cơ chế cũ sang đổi mới, từ chưa phát triển sang phát triển và hội nhập…).

Theo đó, quan niệm về hạnh phúc của người Việt Nam mỗi thời đương nhiên sẽ khác nhau.

Thời mất nước, khi đấu tranh chống áp bức bóc lột, quan niệm và quan điểm chung là hạnh phúc gắn với độc lập dân tộc và tự do của con người trong xã hội: Độc lập là tiền đề cho tự do, hạnh phúc của nhân dân; tự do, hạnh phúc của nhân dân là thước đo giá trị, là mục tiêu của độc lập dân tộc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Người Việt Nam trong chiến tranh vì độc lập tự do của Tổ quốc coi “Hạnh phúc non sông hạnh phúc nhà, Ấm tình Tổ quốc ấm tình ta”.

Thời hoà bình lao động, kiến thiết phát triển lại thấy hạnh phúc thiết thực, gần gũi trong cuộc sống của mỗi người, mỗi nhà, trước hết là niềm vui hạnh phúc gia đình. So với người lớn tuổi, tuổi trẻ ngày nay quan niệm về hạnh phúc ngày càng thực tế hơn, gắn liền với kinh tế thị trường hơn, nhu cầu về hạnh phúc cũng ngày càng cao hơn. Có ý kiến cho rằng, đời sống ngày xưa nghèo khổ song hạnh phúc hơn hiện nay; cũng do thực tế xưa-nay khác nhau, khoảng cách thế hệ giãn rộng ra cả trong điều kiện, hoàn cảnh, trình độ văn hóa, nhận thức thực tế, làm cho người lớn tuổi dễ so sánh và tiếc nuối quá khứ… Dù thế nào cũng không thể không thừa nhận những điều kiện vật chất đảm bảo cho hạnh phúc ngày nay đã hơn hẳn ngày xưa, tiến bộ và đầy đủ hơn xưa.

Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2020 do LHQ công bố, theo chỉ số hạnh phúc dựa trên các yếu tố sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống, chất lượng sống của người dân, Việt Nam xếp hạng 83/156 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2019. Chỉ số hạnh phúc của người dân Việt Nam đạt 6,8/10 điểm.

Điểm và thứ hạng tăng lên cho phép Việt Nam tiếp tục thực thi các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo cho đời sống người dân (càng tự tin hơn trong thời kỳ cả thế giới chống đại dịch COVID-19 như hiện nay). Thực ra, Việt Nam còn nhiều việc phải làm để phát triển đời sống xã hội, chẳng hạn xóa đói giảm nghèo theo chuẩn mới thì nhiều địa phương còn rất khó khăn trong thực hiện các tiêu chí.

Là một trong 193 quốc gia thành viên LHQ hưởng ứng Ngày quốc tế Hạnh phúc, Việt Nam cũng cam kết bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân.

Thực tế là tôn chỉ quốc gia độc lập, tự do, hạnh phúc từ hơn 75 năm nay đã và đang hiện thực hóa bằng nhiều chương trình và chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ và hạnh phúc. Từ năm 2021 tiếp tục trở thành mục tiêu tổng quát trong đường lối chính trị của Đảng nhằm “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển”.

“Yêu thương và chia sẻ” trước khi trở thành chủ đề cho Ngày quốc tế Hạnh phúc, nó đã là những hoạt động đơn giản và dung dị thường ngày của con người dùng để gắn kết những điều tốt đẹp cho nhau, làm lan tỏa niềm vui và hạnh phúc cho nhau. Việt Nam ngày nay thiết thực nhất là xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc. Trọng tâm ấy luôn đòi hỏi mỗi người, mỗi gia đình phải thực sự yêu thương và chia sẻ để tìm thấy cho mình và giúp những người xung quanh, trước hết là gia đình, người thân có nhiều giây phút hạnh phúc đích thực.

Mỗi người gieo cho mình những “hạt giống” yêu thương, chia sẻ, nhất định sẽ gặt hái trái ngọt hạnh phúc cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Thật may mắn được sống trong hòa bình, ổn định với những chính sách phát triển kinh tế-xã hội phù hợp và tiến bộ, có điều kiện thuận lợi để tạo dựng các giá trị hạnh phúc cá nhân, xây dựng hạnh phúc gia đình.

Mỗi người dân Việt Nam càng phải yêu thương nhau và yêu thương những người chưa có may mắn đó, quan tâm và đồng cảm, chia sẻ với nhau và những người dân các nước về tình đoàn kết, yêu thương - đó là hạnh phúc được chia sẻ và nhân đôi, là cách lan tỏa hạnh phúc để cùng xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.

Hà Minh Hồng