In bài viết

Ngày thơ Việt Nam tôn vinh đất nước và Hồ Chủ tịch

(Chinhphu.vn) – Những người tham dự Ngày thơ Việt Nam năm nay đặc biệt ấn tượng với Lễ rước đất từ Nghệ An và rước nước từ suối Lê Nin về Văn Miếu, tượng trưng cho sự thống nhất đất nước, đồng thời cũng tượng trưng cho quá trình “đi tìm hình của nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

17/02/2011 15:31

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ngày thơ - Ảnh: Chinhphu.vn

Ngày thơ Việt Nam lần thứ IX tưng bừng khai hội vào ngày Rằm tháng Giêng (17/2) với thơ, nhạc và họa đã thu hút đông đảo khách thơ và khách yêu thơ ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám dưới tiết mưa xuân lất phất.

Đèn lồng, các bức thơ, họa thơ treo dọc lối vào sân thơ chính tại Nhà Thái Học rực rỡ sắc màu, bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo chính giữa cửa vào cùng với hàng chục bức tượng danh nhân đặt quanh hồ bán nguyệt, hoa đào mùa xuân đã toát lên thông điệp của Ngày thơ năm nay: “Đất nước-Mùa xuân”.

Tinh thần của Ngày thơ đồng hành cùng các sự kiện lớn của đất nước như Đại hội Đảng lần thứ XI, kỷ niệm 100 năm Bác ra đi tìm đường cứu nước, 70 năm Bác trở về sau những năm bôn ba ở nước ngoài.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, thành viên của Ban tổ chức cho biết tinh thần Việt, tinh thần đất nước, dân tộc-mùa xuân được thể hiện rất rõ, gắn liền với hình tượng đất nước qua hình ảnh Bác Hồ.

Người yêu thơ ngồi chật sân Nhà Thái Học - Ảnh: Chinhphu.vn

Thay vì rước tờ thơ như mọi năm, Ngày thơ được bắt đầu bằng lễ rước đất ở làng Sen quê Bác và nước ở suối Lê Nin tại Cao Bằng, nơi Bác trở về Tổ quốc năm 1941, về Văn Miếu.

Cho biết đã tham gia ngày thơ từ lần đầu tiên và không lần nào vắng mặt trong suốt 9 lần diễn ra, nhà thơ người Mường Bùi Tuyết Mai đến từ Hoà Bình cho rằng, "hình ảnh của các dân tộc Việt Nam trong ngày thơ năm nay hiện ra rất rõ ràng. Tuy giản lược nhưng rất có ý nghĩa và tôn vinh đầy đủ ý nghĩa văn hoá các vùng miền của Việt Nam”.

Ban tổ chức đã có sự đổi mới khi tách bạch 2 sân thơ, sân thơ truyền thống và sân thơ hiện đại. Thơ truyền thống vẫn đóng vai trò chủ đạo khi được bố trí ở sân khấu chính tại sân Nhà Thái Học và nhận được sự quan tâm của rất đông người trung và cao tuổi.

Trong khi đó, sân thơ Trẻ mọi năm được thay bằng sân thơ hiện đại cho hợp lý hơn bởi nhiều người cao tuổi nhưng vẫn thích làm thơ hiện đại.

Ngày Thơ Việt Nam năm 2011 đã kết thúc với hình ảnh đẹp, ấn tượng với 50 câu thơ đỏ rực được thả bay bổng lên trời cao. - Ảnh: Chinhphu.vn

Bà Lê Thị Thái A (Đại Pháp, Đại Mỗ, Từ Liêm) 64 tuổi cho biết, bà thường nói với con cháu, bạn bè là "đi đâu cũng không nên bỏ lỡ một sự kiện như Ngày thơ Việt Nam tại chốn linh thiêng này”.

Mặc dù không làm thơ nhưng yêu thích thơ, kể từ khi biết và tham dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ IV, đến nay không năm nào bà vắng mặt tại Văn Miếu vào ngày Rằm tháng Giêng. Và bà cho biết sẽ tham dự Ngày hội thơ Việt Nam "đến chừng nào không thể đi được nữa mới thôi".

Cùng ngày 17/2, Ngày thơ Việt Nam lần thứ IX tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng khai hội tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bến Nhà Rồng với chủ đề “Từ thành phố này Người đã ra đi”, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và 70 năm ngày Bác trở về nước.

Nguyệt Hà