Qua điều tra khảo sát, có khoảng 81 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chiếm 5,58% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp. Trong đó, số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa chiếm số lượng lớn, với 72 doanh nghiệp, cơ sở, nhưng chủ yếu quy mô nhỏ thuộc các ngành gia công cơ khí, sản xuất bao bì.
Giá trị sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ năm 2021 của Nghệ An đạt khoảng 7.600 tỷ đồng, chiếm 9,51% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Trong đó, giá trị sản xuất các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa khoảng 2.100 tỷ đồng, chỉ chiếm 2,63% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành công nghiệp hỗ trợ cho các nhóm ngành gồm: Điện tử; ngành sản xuất bao bì; dệt may; cơ khí, lắp ráp,... tuy nhiên, số lượng và quy mô các doanh nghiệp còn rất hạn chế; tiềm lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, khả năng cung ứng sản phẩm, sự hợp tác liên kết, quảng bá hiện nay nhìn chung đang ở mức thấp.
Giai đoạn tới, Nghệ An sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành sản xuất sẵn có trên địa bàn tỉnh và thị trường cả nước đang có nhu cầu cao, lãnh đạo sở Công Thương cho biết.
Thời gian qua, công nghiệp chế biến chế tạo nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và các cấp. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23 về định hướng phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, xác định phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá. Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2030, tỉ trọng công nghiệp trong GDP đạt hơn 40%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%.
Nghị quyết số 115 của Chính phủ cũng nêu rõ, công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
NT