Ngành dệt may vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu
Theo Sở Công Thương Nghệ An, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển dẫn đến các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào linh kiện nhập khẩu, chi phí đầu vào tăng do thêm tiền chuyên chở, kho vận, bảo hiểm..., chưa kể rủi ro về thời gian nhận hàng ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, giảm sức cạnh tranh.
Đơn cử như ngành dệt may, dù là một trong những ngành thuộc top kim ngạch xuất khẩu cao của tỉnh, nhưng nguyên, phụ liệu dùng để sản xuất đang yếu và thiếu, phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
Hiện Nghệ An đang có 65 cơ sở, nhà máy may đang hoạt động. Trong số đó, có chưa đến 20 cơ sở phụ kiện, 1 cơ sở thêu, còn lại là các cơ sở dệt thủ công khác.
Đại diện một số doanh nghiệp (DN) dệt may Nghệ An cho rằng, để phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, DN phải tuân thủ quy định liên quan đến môi trường dẫn đến chi phí sản xuất nguyên liệu tăng lên rất cao. Đó là lý do vì sao đến nay địa phương này chưa có nhà máy nhuộm nào trên địa bàn. Dù có công nghiệp dệt, nhuộm nhưng sản xuất dệt, nhuộm vẫn đang ở "vùng trũng", Nghệ An vẫn đang phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu vải.
Đại dịch COVID-19 vừa qua đã khiến không ít DN dệt may "đứng ngồi không yên" vì các đối tác cung cấp nguyên, phụ liệu không thể giao hàng, làm ảnh hưởng đến 20 - 30% năng lực sản xuất toàn ngành.
Ngoài sợi, nhuộm, các thiết bị cơ khí hay các sản phẩm nhựa hỗ trợ cho ngành dệt - may (ống nhựa cho ngành dệt, sợi tổng hợp, móc áo cho ngành may, các loại ghim cài, kẹp nhựa...); các sản phẩm hóa chất cho ngành dệt (thuốc nhuộm, chất trợ, hóa chất cơ bản, chế phẩm sinh học); nguyên phụ liệu hỗ trợ chủ yếu cho ngành may (chỉ may, thêu các loại, nhãn mác, logo; khóa kéo; nút áo)... cũng đều phụ thuộc vào nước ngoài.
Sở Công Thương Nghệ An cho rằng, nếu lỗ hổng này không được khắc phục thì việc chủ động nguyên phụ liệu để tận dụng các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA sẽ rất khó khăn. Các hiệp định này yêu cầu hàng Việt Nam muốn hưởng ưu đãi thuế phải đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ vải hoặc sợi trở đi. Vì vậy, việc sớm phát triển đồng bộ công nghiệp hỗ trợ sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho ngành dệt may.
Hiện phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghệ An nhằm nâng cao giá trị nội địa của các sản phẩm công nghiệp và phát triển công nghiệp bền vững.
Tuy nhiên, quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đang gặp phải nhiều rào cản về công nghệ và chi phí, thị trường kết nối giữa bên cung cấp và bên có nhu cầu, chính sách hỗ trợ, chất lượng nguồn nhân lực, quy hoạch cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật…
Theo Sở Công Thương Nghệ An, năm 2021 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tăng 34,9%, xơ sợi dệt các loại đạt tăng 75,7%. Năm 2022, kim ngạch ngành dệt may tiếp tục đặt mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng khá song khó khăn nhất với ngành này vẫn nằm ở bài toán nguyên liệu, các sản phẩm hỗ trợ cho ngành may.
Nghệ An đang phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ tăng bình quân 9-10%/năm, đến năm 2025 chiếm từ 10-12% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Tăng dần tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh.
Nhật Thy