In bài viết

“Nghệ thuật biểu diễn là văn hóa cao cấp của xã hội”

(Chinhphu.vn) – Chuyên gia nghiên cứu về Mỹ học, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TSKH Đỗ Văn Khang đã trao đổi với Cổng TTĐT Chính phủ để góp thêm một tiếng nói, một góc nhìn tham chiếu về vấn đề chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật đang được luận bàn.

12/05/2012 11:46

GS.TSKH Đỗ Văn Khang khẳng định phải siết chặt quản lý để sân khấu biểu diễn thực sự là văn hóa cao cấp của xã hội. Ảnh Chinhphu.vn

Theo GS.TSKH Đỗ Văn Khang, nghệ thuật biểu diễn là văn hóa cao cấp của xã hội, nó khác với văn hóa thông thường. Ở đó có sự tập trung của tài năng nghệ thuật, của giá trị thẩm mĩ, của người xem và của dư luận. Trên sân khấu, người nghệ sĩ phải đem những giá trị thẩm mĩ hay nhất, tài năng nhất đến đó và công chúng bỏ tiền bạc, thời gian đến đó để thưởng thức giá trị thẩm mĩ chân chính ấy.

Phải nhận thức như vậy mới xác định được trách nhiệm của diễn viên, ca sĩ, người tổ chức, những người chuẩn bị món ăn tinh thần cho công chúng.

Với tính chất của văn hóa bậc cao, nghệ  thuật biểu diễn đòi hỏi những người tham gia phải rất trách nhiệm trong tất cả các khâu từ chuẩn bị đến trình diễn. Những người được đào tạo bài bản, những nghệ sĩ chân chính, có tên tuổi, danh dự, họ ý thức rõ trách nhiệm của mình, bởi vì nếu bị mất danh tiếng là mất cơ hội lao động nghệ thuật.

Tuy nhiên trong thời gian qua, một số người chưa nổi danh, lại không được đào tạo bài bản, hoặc chưa có sự nghiệp, họ muốn đánh bóng tên tuổi nên cố tình tạo scandal để thu hút sự quan tâm của dư luận.

Mặt khác, trong bối cảnh hiện tại, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng ngày càng nhiều, số lượng buổi diễn đậm đặc. Mà đặc thù của biểu diễn là trả tiền trước, thưởng thức sau, cho nên người tổ chức chỉ cần một chút lơ là, cẩu thả, chỉ cần chế tài lỏng lẻo, hệ thống kiểm soát chưa chặt chẽ là dễ phát sinh hiện tượng trình diễn giá trị giả, đánh lừa công chúng. Do vậy, Nhà nước cần phải có cơ chế hiệu quả, phù hợp để ngăn chặn các đối tượng này.

Quản chặt cả nhà tổ chức và diễn viên

Trước hết, GS Khang cho rằng, để chấn chỉnh những bất cập trong hoạt động biểu diễn, thì chúng ta phải quản lý chặt chẽ tất cả các khâu thuộc quy trình biểu diễn nghệ thuật. Nhất định không cho phép người chưa được đào tạo qua trường lớp hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền “đánh giá” thì không được tham gia biểu diễn nghệ thuật. Cơ chế này còn đòi hỏi những người tham gia nghệ thuật biểu diễn phải được đào tạo bài bản cả về nghề nghiệp, cả về đạo đức để họ có thể tự nhận thức được chân giá trị và có hành vi ứng xử phù hợp, tránh những hành vi phản cảm, lừa dối... làm công chúng bức xúc.

Mặt khác, vì sân khấu biểu diễn là văn hóa cao cấp của xã hội, nên công chúng đòi hỏi nghệ sĩ phải đẹp, đẹp từ ngoại hình đến cách ăn mặc. Trang phục đẹp sẽ làm tôn thêm giá trị của người diễn, đồng thời nó còn tạo sự mới mẻ cho xã hội.

Người biểu diễn luôn phải tìm tòi, sáng tạo đem đến cái đẹp, cái mới, cái lạ cho công chúng, nhưng có 2 tiêu chí để giới hạn sự sáng tạo, buộc người biểu diễn phải ý thức được, đó là đẹp nhưng không được phản cảm và không kích dục. Do vậy, nếu người diễn lên sân khấu trình diễn những bộ trang phục “phản cảm” thì cả những người tổ chức buổi biểu diễn và người diễn đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và dư luận.

Mặt khác, nhà quản lý cũng không thể kiểm duyệt được từng bộ quần áo của người diễn. Cho nên cách tốt nhất là phải xây dựng một hành lang pháp lý cho người biểu diễn sáng tạo và phát triển, để họ hiểu rằng nghiệp diễn cũng phải có chữ tín và có khuôn khổ nhất định. Nếu vượt khuôn khổ sẽ bị xử lý nghiêm, không chỉ bị mất uy tín, bị phạt tiền, mà còn mất cả cơ hội lao động, trình diễn nghệ thuật. Có như vậy mới đảm bảo tính răn đe đối với những người cố tình vi phạm.

Công khai người cố tình vi phạm

Bên cạnh đó, GS Khang cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải có website thông tin về những trường hợp hát nhép, ăn mặc phản cảm, cố tình vi phạm các quy định của nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, để vừa có thể phê phán, công khai việc treo sân khấu đối với những người diễn có hành vi vi phạm. Đồng thời cũng để các nhà tổ chức và công chúng biết và tẩy chay họ.

GS Khang còn cho rằng hiện nay chúng ta chưa xây dựng, hoàn thiện được chuẩn thẩm mỹ mới phù hợp với đặc điểm của thời đại. Thời đại này có những cá tính cá nhân, sự sáng tạo của con người được tôn trọng. Do vậy chúng ta cũng cần xây dựng, hoàn thiện những chuẩn mực mới, cho phù hợp với đời sống đương đại.

Để xây dựng được chuẩn giá trị mới, GS Khang cho rằng cần phải có sự chung tay của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nghệ sĩ và cả khán giả. Và chuẩn thẩm mỹ mới đó, phải đảm bảo vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Đức Mạnh – Thu Huyền thực hiện

Tin liên quan:

>> Ý kiến người dân cần thiết phải chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật

>> “Tôn trọng khán giả, cũng là tôn trọng chính mình”

>> NSND Trung Đức: Nghệ sĩ phải đem cái đẹp đến công chúng

>> “Bầu sô” lên tiếng về việc chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật

>> Không cấp phép biểu diễn cho đơn vị, cá nhân, ca sĩ đã có sai phạm

>> Tổ chức biểu diễn nghệ thuật phải cam kết thực hiện quyền tác giả