In bài viết

Nghe tiếng "chat, tom" nơi phố cổ

HNP - Phố cổ ồn ào ngày thường. Nhưng vào những ngày cuối tuần, du khách gần xa có thể đắm mình vào những không gian xưa cũ, trong những thanh âm được coi là tinh túy nhất của âm nhạc Thăng Long - ca trù. Đến giờ, có hai địa điểm tổ chức biểu diễn ca trù định kỳ, do Giáo phường Ca trù Thăng Long và Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội thực hiện.

04/07/2011 17:52
Biểu diễn ca trù ở đền Quán Đế


Sống lại nét văn hóa xưa

Ca trù hiện diện ở nhiều địa phương trên đất nước ta. Bắc Ninh có ca trù Tiểu Than (huyện Gia Bình), Thanh Tương (Thuận Thành); Ninh Bình có Câu lạc bộ Ca trù đền thờ Nguyễn Công Trứ, Câu lạc bộ Ca trù Cố Viên Lầu; miền Trung nổi tiếng nhất là ca trù ở Cổ Đạm (Hà Tĩnh)... Nhưng ca trù chỉ đạt đến sự tinh túy nhất ở Thăng Long. Vì thế, ca trù vẫn được xem là đặc sản văn hóa phi vật thể của đất Kinh kỳ.

Hai năm trước, ca trù đã làm rạng danh nền nghệ thuật Việt Nam bằng việc được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Khi ấy, nhiều khách nước ngoài đến Hà Nội đã tỏ ý muốn thưởng thức ca trù. Nhưng khi ấy, người ta mới nhận ra vì sao UNESCO xếp ca trù vào diện cần được bảo vệ khẩn cấp. Là đất ca trù, nhưng hầu hết các câu lạc bộ ca trù ở Hà Nội không có hoạt động định kỳ. Nhiều người cũng ngạc nhiên khi biết rằng chèo, tuồng, cải lương đều có nhà hát riêng, được nhà nước bao cấp. Ca trù - di sản của nhân loại - thì không. Giáo phường Thăng Long và Câu lạc bộ ca trù Hà Nội là hai đơn vị biểu diễn có tính định kỳ, nhưng địa điểm biểu diễn cả hai, một ở đình Giảng Võ, một ở Bích Câu đạo quán đều không thuận lợi trong quảng bá, đặc biệt là trong phát triển du lịch. Nhưng rồi với sự nỗ lực của các bên, ca trù dần có "đất" diễn. Bắt đầu từ dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sự phối hợp giữa Ban Quản lý phố cổ Hà Nội với Giáo phường Thăng Long đã cho ra đời một ca quán đầu tiên, hoạt động định kỳ vào các tối thứ bảy tại đền Quán Đế - 28 Hàng Buồm. Hơn nửa năm sau, đầu tháng 6/2011, khởi đầu bằng đêm diễn "Ca trù-Tinh hoa âm nhạc Việt", cũng từ sự phối hợp giữa Ban quản lý Phố cổ Hà Nội với Câu lạc bộ ca trù Hà Nội, địa điểm biểu diễn ca trù định kỳ thứ hai chính thức được ra mắt. Đó là tại đình Kim Ngân, số 42-44 phố Hàng Bạc.

Đến với một canh hát ca trù tại đền Quán Đế, du khách được trở về không gian của Hà Nội xưa. Những ca nương, kép đàn ngồi trên một chiếc sập cổ. Khói trầm thoang thoảng bay khiến không gian trở nên trầm mặc. "Thuyền lan nhè nhẹ một con chèo/ Đủng đỉnh dạo Hồ Tây/ Sóng rập rờn sắc nước lẫn chiều mây/ Bát ngát nhẽ ghẹo người du lãm...", lời một bài thơ của Nguyễn Khuyến được thể hiện dưới chất giọng trong vắt của ca nương đưa người nghe từ không gian cổ kính của phố cổ, đến một không gian linh thiêng khác, đó là Hồ Tây bảng lảng. Có lẽ, chẳng cần am tường về âm nhạc, người ta cũng cảm nhận được những âm thanh như từ quá khứ vọng về, qua chất giọng mộc, tiếng đàn mộc không qua bất kỳ một khâu xử lý điện tử nào. Để rồi, lòng người nghe xao xuyến theo từng nhịp sênh tiếng phách. Mỗi canh hát kéo dài 1 tiếng đồng hồ. Giữa canh hát, khán giả và nghệ nhân giao lưu được nghe giới thiệu những nét văn hóa ca trù. Tương tự như thế trong canh hát ở đình Kim Ngân. Mỗi đêm diễn, ngoài phần biểu diễn, còn có phần giao lưu, giới thiệu để khán giả có thêm kiến thức, hiểu sâu hơn về ca trù.

Làm gì để nối dài những tình yêu?

Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội và Giáo phường Thăng Long đều là những đơn vị ca trù hoạt động lâu năm trên địa bàn thủ đô được nhiều người biết đến. Suốt nhiều năm qua, ca nương Bạch Vân (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội) và ca nương Phạm Thị Huệ (người điều hành chính của Giáo phường Thăng Long) đều nỗ lực học hỏi, khôi phục ca trù bằng tình yêu mà không có chế độ nào. Thù lao chỉ có khi có nơi mời biểu diễn. Việc tiến đến biểu diễn định kỳ tại một không gian văn hóa như ở phố cổ phục vụ du khách là bước trưởng thành của cả Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội lẫn Giáo phường Thăng Long, đồng thời, cũng đem đến sức hút mới cho du lịch phố cổ. Sự tương tác này khiến cả hai cùng có thêm điều kiện phát triển. Nhưng trên thực tế, thách thức vẫn còn rất nhiều trong bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca trù.

Những thế hệ ca nương trẻ nối tiếp nghệ thuật ca trù


Trước kia, các ca quán ca trù duy trì hoạt động nhờ vào các Mạnh Thường Quân. Mỗi canh hát, khi cô đào hát hay, các quan viên sẽ có thưởng bằng thẻ, thẻ quy ra tiền. Hiện giờ, cả hai địa điểm tổ chức biểu diễn ca trù kể trên đều hoạt động theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, số người hiểu ca trù ngày nay còn lại ít. Khán giả đến nghe vẫn chưa nhiều. Ít người biết rằng, để có thể trở thành một ca nương kép đàn, ngoài tài năng sẵn có, các nghệ nhân còn phải lao tâm khổ tứ luyện tập hàng chục năm trời. Mỗi buổi biểu diễn như thế, phải huy động cả chục người chuẩn bị, mỗi ca nương kép đàn còn phải lo phục trang, thanh sắc... Số tiền thu được chỉ đủ bồi dưỡng cho các ca nương, kép đàn... tiền xăng xe đi lại.

Sự tồn tại của một bộ môn nghệ thuật phụ thuộc rất nhiều vào khán giả. Có thể ban đầu khi nghe không ai hiểu ca trù. Ngay cả một số ca nương hiện nay cũng thế. Ca nương Thùy Chi của Giáo phường Thăng Long là một ví dụ. Lần đầu nghe ca trù, Thùy Chi chỉ cảm thấy một ấn tượng lạ và khó hiểu. Song cái lạ đã thôi thúc Thùy Chi đến nghe buổi thứ 2. Và rồi, giờ, Thùy Chi đã học hỏi để trở thành một thành viên của Giáo phường Thăng Long. Đôi khi, chúng ta phê phán rất gay gắt khi một môn nghệ thuật nào đó đứng trước nguy cơ mai một. Nhưng chúng ta mấy ai có hành động bảo vệ? Người Hà Nội vẫn tự hào ca trù là tinh hoa nghệ thuật Thăng Long. Nhưng mấy ai bỏ tiền ra để nghe một canh hát? Ở một khía cạnh nhất định, đến nghe ca trù là hành động giúp các nghệ nhân tái sản xuất sức lao động. Mỗi người hãy đến và cảm nhận không gian văn hóa ca trù. Đó là điểm khởi đầu của việc giúp ca trù có điều kiện hồi sinh.

Giang Nam