Ngày 5/3/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi bổ sung và ngừng hiệu lực thi hành một số điều tại Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ban hành ngày 31/12/2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021).
Đáng chú ý, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP bổ sung quy định: Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư theo quy định tại Điều 17 Nghị định này, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản theo nguyên tắc:
- Tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó. Đồng thời phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận.
- Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, việc cho phép trái chủ thanh toán gốc lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác như bất động sản là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, việc định giá chính xác bất động sản để trả nợ cho trái chủ đang là vấn đề đặt ra cần được giải quyết
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án tái cấu trúc nợ trái phiếu bằng hình thức hoán đổi sang tài sản khác như bất động sản. Nếu được nhà đầu tư chấp thuận, đây là hướng giải quyết các khoản nợ trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng và khá nhiều doanh nghiệp phải "khất nợ" trái phiếu đến hạn thanh toán.
"Việc quy định cụ thể nguyên tắc hoán nợ trái phiếu bằng bất động sản tại Nghị định sẽ là cơ sở pháp lý thúc đẩy việc xử lý nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp, giúp các trái chủ có thêm lựa chọn", lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết.
Tuy nhiên, theo phân tích của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, việc lấy tài sản để trả nợ trái phiếu không hoàn toàn nằm trong tay doanh nghiệp, mà các doanh nghiệp cũng phải đàm phán, thương lượng với các trái chủ. Để quá trình đàm phán thành công, thuyết phục trái chủ đồng ý, doanh nghiệp cần phải chứng minh cho trái chủ thấy việc sở hữu tài sản là hấp dẫn.
Nếu người sở hữu trái phiếu không chấp thuận, doanh nghiệp vẫn sẽ phải xoay sở trả nợ bằng tiền mặt.
Câu hỏi đặt ra với doanh nghiệp phát hành là "mức giá nào là hợp lý để việc đàm phán với hàng nghìn trái chủ với các nhu cầu, quyết định khác nhau suôn sẻ". Vì vậy, việc định giá chính xác bất động sản để trả nợ cho trái chủ sẽ là bài toán "đau đầu".
Định giá tài sản được thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật, thực trạng của tài sản; phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản tại thời điểm định giá. Đâu sẽ là mức giá thị trường? Là khung giá đất của Nhà nước, giá chào bán sơ cấp của dự án kèm một số ưu đãi, chiết khấu hấp dẫn hay mức giá qua một đơn vị thẩm định giá chuyên nghiệp.
Hoán nợ trái phiếu bằng bất động sản sẽ tạo cơ hội cho các chủ nợ được chủ động lựa chọn, được sở hữu nhà với giá thỏa thuận. Khi chấp thuận mức giá này, doanh nghiệp phát hành sẽ không còn nghĩa vụ vay nợ nữa nhưng trái chủ sẽ tiếp tục phải đối mặt với rủi ro tài sản giảm giá hoặc các vấn đề pháp lý liên quan đến tài sản. Cụ thể như rủi ro đồng sở hữu bất động sản với các nhà đầu tư khác hoặc phải bỏ thêm tiền chênh lệch để sở hữu riêng do số tiền đầu tư nhỏ.
Hay nguy cơ doanh nghiệp phát hành đẩy giá bất động sản lên cao để cấn trừ nợ. Do vậy, trái chủ cần phải định được giá bất động sản hoán đổi, thỏa thuận các khoản phí khi thực hiện thủ tục chuyển đổi, nhất là việc tìm hiểu kỹ về pháp lý dự án.
Bình luận về điểm mới này, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết quy định cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác sẽ giúp gỡ nghẽn cho doanh nghiệp ở thời điểm này. Đồng thời, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp có thêm các phương án xử lý câu chuyện trái phiếu. Tuy nhiên theo ông Đính, điều kiện tiên quyết là cần có sự thương thảo giữa hai bên doanh nghiệp và trái chủ.
Một số quy định mở về trái phiếu trong Nghị định 08/2023/NĐ-CP cũng sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản đang có khoản nợ trái phiếu không lâm vào cảnh "bế tắc", có thêm thời gian cơ cấu nợ, có phương án thích hợp để tái cấu trúc lại sản phẩm, có cơ hội phát triển, có lợi cho thị trường, nhà đầu tư và nền kinh tế nói chung./.
Toàn Thắng