In bài viết

Nghị định 100/2014/NĐ-CP - Một năm nhìn lại

(Chinhphu.vn) - Nghị định 100/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, trong đó nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, có hiệu lực ngày 1/3/2015, đến nay vừa tròn 1 năm.

04/03/2016 11:23

Đây là Nghị định được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Theo các chuyên  gia y tế sức khỏe cộng đồng của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Mạng lưới hành động vì thực phẩm trẻ em quốc tế (IBFAN), Dự án Alive&Thrive (do quỹ Bill & Melinda Gates hỗ trợ), Nghị định 100/2014/NĐ-CP  đã đưa vào được phần lớn nội dung của Bộ Quy tắc quốc tế về tiếp thị kinh doanh sản phẩm thay thế sữa mẹ.

Tuy nhiên, sau 1 năm Nghị định có hiệu lực, hiện vẫn còn nhiều hình thức quảng cáo tiếp thị sữa trá hình. Vì vậy, để Nghị định 100 thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực, chúng ta vẫn cần phải làm nhiều việc.

Theo quy định tại Nghị định 100/2014, thông tin, giáo dục, truyền thông về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ và phương pháp nuôi dưỡng trẻ nhỏ phải được ưu tiên trong chương trình thông tin, giáo dục, truyền thông về bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, về cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ nhỏ.

Khẳng định sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ; các yếu tố chống nhiễm khuẩn, đặc biệt là kháng thể chỉ có trong sữa mẹ có tác dụng giúp cho trẻ phòng, chống bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp và một số bệnh nhiễm khuẩn khác; bất lợi khi không nuôi trẻ bằng sữa mẹ mà thay vào đó là cho trẻ ăn sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ…

Các cơ sở y tế không được tổ chức bán hoặc cho phép bán sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ tại cơ sở y tế, trừ nhà thuốc bệnh viện (chỉ bán theo toa của bác sĩ); không cho phép nhân viên của cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ tiếp cận với bà mẹ có con nhỏ, phụ nữ mang thai dưới mọi hình thức; không nhận sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ, lợi ích vật chất, vật dụng có tên hoặc biểu tượng của sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ do cơ sở sản xuất, kinh doanh tặng…

Những quy định này đều dựa trên Bộ Quy tắc quốc tế về tiếp thị sản phẩm thay thế sữa mẹ của Hội đồng Y tế Thế giới từ năm 1981 và được cập nhật trong suốt những thập kỷ qua.

Sở dĩ việc đưa quy định nghiêm cấm quảng cáo vào luật rất chặt chẽ là vì đã có nhiều nghiên cứu của các hãng sữa nhắm cụ thể vào những người tiếp cận với quảng cáo (bố mẹ trẻ nhỏ) hoặc những bố mẹ đã nhận quà tặng miễn phí, hàng dùng thử… Điều này ảnh hưởng trực tiếp và tiêu cực đối với khoảng thời gian bà mẹ duy trì cho con bú, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến tỉ lệ cho con bú mẹ hoàn toàn (vì nghe theo quảng cáo của hãng sữa nên giảm việc cho con bú).

Theo luật sư David Clark (luật sư của UNICEF),  hiện nay có gần 50 quốc gia đã áp dụng quy định cấm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng theo luật sư David Clark để cơ sở pháp lý này thực sự hiệu quả và đi vào cuộc sống thì hệ thống y tế và nhân viên y tế phải là những chủ thể tiên phong trong việc tuyên truyền bộ quy tắc này.

Cụ thể, nhân viên y tế phải cương quyết từ chối lời mời chào khuyến mại, những chiêu dụ dỗ của hãng sữa và họ phải được bảo vệ trước sự tiếp cận ồ ạt của hãng sữa (vì hệ thống y tế và nhân viên y tế là kênh hiệu quả để các hãng sữa nhắm vào).

Vì vậy, muốn hỗ trợ các nhân viên y tế khỏi bị “cám dỗ”, cơ quan chức năng cần cung cấp đầy đủ thông tin về Nghị định 100 để nhân viên y tế có thể hoàn thành trách nhiệm của mình.

Xin nêu một ví dụ: Trên thực tế hiệp hội y khoa một số nước vẫn không tuân thủ Bộ Quy tắc quốc tế vì họ bị cám dỗ bởi các hãng sữa. Nhưng trong khi đó, Hiệp hội Nhi khoa Ấn Độ đã nói không với các tài trợ hay khuyến mại của các hãng sữa và điều thú vị là doanh số bán sữa tại Ấn Độ rất thấp. Điều này đồng nghĩa với việc tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ sẽ cao.

Tác hại của việc nuôi con bằng sữa khác ngoài sữa mẹ không phải đến bây giờ mới được nhắc đến. Từ năm 1939, bác sĩ Cicely William, một trong những người tiên phong trong lĩnh vực sức khoẻ trẻ em sau nhiều năm làm việc tại các nước đang phát triển ở châu Phi và châu Á đã rất phẫn nộ khi thấy hậu quả thảm thương do việc quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ gây ra. Bà nói rằng truyền thông gây ngộ nhận và “việc quảng cáo/khuyến mại mọi sản phẩm dinh dưỡng sơ sinh phải bị coi như một hình thức tội ác dụ dỗ nghiêm trọng nhất, nếu dẫn đến tử vong phải được xem là sát nhân”.

Theo UNICEF, khoa học thực phẩm đã có nhiều tiến bộ nhưng sản phẩm sữa có công thức tiên tiến đến thời điểm hiện tại vẫn ẩn chứa nhiều tác hại cho sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì thế, cho dù thương hiệu sữa đến cỡ nào đi nữa cũng không được công nhận thay thế sữa mẹ.

Minh Hồng