In bài viết

Nghị định 78/2007/NĐ-CP: Quy định chung đối với các hình thức đầu tư BOT, BTO, BT áp dụng cho cả đầu tư trong nước và nước ngoài tại Việt Nam

(Website Chính phủ) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 78/2007/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao (BOT), Hợp đồng Xây dựng-Chuyển giao-Kinh doanh (BTO), Hợp đồng Xây dựng-Chuyển giao (BT). Điểm mới nhất của Nghị định này là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh được quyền phê duyệt Danh mục các dự án đầu tư theo Hợp đồng BOT, BTO và BT cả từ nguồn vốn trong nước và nước ngoài.

21/05/2007 16:11
 

Cầu Mỹ Thuận-Một công trình được xây dựng thành công theo hình thức BOT

Thay thế hai Quy chế cũ về đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT áp dụng cho đầu tư trong nước và nước ngoài.

Nghị định mới này được ban hành thay thế Quy chế đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT áp dụng cho đầu tư trong nước (ban hành kèm theo Nghị định 77/CP ngày 18/6/1997) và Quy chế đầu tư theo Hợp đồng BOT, BTO, BT áp dụng cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (ban hành kèm theo Nghị định 62/1998/NĐ-CP ngày 15/8/1998). Như vậy, kể từ nay, các dự án có nguồn vốn đầu tư trong nước hay nước ngoài đều được thực hiện theo một quy định chung thống nhất tại Nghị định 78/2007/NĐ-CP. Điều này là hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh xây dựng, phê duyệt Danh mục các dự án đầu tư BOT, BTO và BT

So với các quy định cũ, Nghị định 78/2007/NĐ-CP đã cho phép các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh xây dựng và phê duyệt Danh mục Dự án gọi vốn đầu tư theo Hợp đồng BOT, BTO và BT của ngành và địa phương mình (Điều 7), thay vì quy định trước đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quy chế đầu tư theo Hợp đồng BOT, BTO, BT áp dụng cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam).

Quy định tỷ lệ tối thiểu về vốn thực hiện dự án đối với các nhà đầu tư.

Nếu như các Quy chế trước đây không quy định cụ thể về mức vốn đầu tư của từng dự án BOT thì tại Nghị định 78/2007/NĐ-CP vấn đề này đã được quy định rất cụ thể, tạo điều kiện cho nhà đầu tư và các cơ quan quản lý dễ dàng xây dựng, thực hiện đề án.

Cụ thể, tại Điều 4 của Nghị định này, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư để thực hiện dự án được huy động theo tiến độ thỏa thuận trong hợp đồng dự án và phải đạt tỷ lệ tối thiểu là 30% tổng vốn đầu tư của dự án đối với dự án có tổng vốn đầu tư dưới 75 tỷ đồng. Tỷ lệ này không được thấp hơn 20% đối với dự án có tổng vốn đầu tư từ 75 tỷ đồng đến dưới 1.500 tỷ đồng và không được thấp hơn 10% đối với Dự án có tổng vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên.

Nhà đầu tư phải thực hiện biện pháp bảo đảm nghĩa vụ theo hợp đồng dự án.

Một trong những điểm mới của Nghị định 78/2007/NĐ-CP là đã quy định cụ thể số tiền tối thiểu để bảo đảm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng dự án.

Cụ thể, tại Điều 19, số tiền bảo đảm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng dự án phải đạt tỷ lệ tối thiểu sau: 1% tổng vốn đầu tư của dự án đối với dự án có tổng vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên; 2% đối với dự án có tổng vốn đầu tư từ 75 tỷ đồng đến dưới 1.500 tỷ đồng và 3% đối với dự án có tổng vốn đầu tư dưới 75 tỷ đồng. Bảo đảm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng dự án có hiệu lực kể từ ngày hợp đồng dự án được ký chính thức đến ngày công trình xây dựng được hoàn thành.

* Có thể đánh giá rằng, Nghị định 78/2007/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, BTO và BT là một trong những văn bản hướng dẫn quan trọng của Luật Đầu tư 2005. Nghị định này càng có ý nghĩa đặc biệt đối với việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng mà Việt Nam đang tập trung kêu gọi hiện nay. 

Phương Mai

(Nguồn: Nghị định 78/2007/NĐ-CP)