In bài viết

Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị: Nền móng cho nền ngoại giao toàn diện, sâu sắc

(Chinhphu.vn) – Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị không chỉ đánh dấu một bước chuyển về tư duy đối ngoại và hướng dẫn hành động cho các lực lượng làm công tác đối ngoại của đất nước mà còn đặt nền móng cho một nền ngoại giao toàn diện, sâu sắc.

21/04/2019 08:10
TS. Lê Đình Tĩnh, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao
Cách đây 6 năm, ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế - văn kiện quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, làm rõ và thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Theo TS. Lê Đình Tĩnh, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao, có ít nhất hai cấp độ để đánh giá vai trò của Nghị quyết số 22 đối với tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước trong 6 năm qua.

Ở cấp độ thứ nhất, Việt Nam đã phát huy được vai trò chủ động, tích cực trong nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu. Hội nhập của Việt Nam đã trở nên toàn diện và sâu sắc hơn. Từ hội nhập kinh tế - thương mại, Việt Nam bắt đầu hội nhập về quốc phòng - an ninh, thể hiện sinh động nhất qua việc cử lực lượng tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình.

Việt Nam không chỉ tham gia các tiến trình mà còn chủ động hỗ trợ, kiến tạo các diễn đàn, sáng kiến, xây dựng luật chơi. Từ APEC 2017, WEF ASEAN 2018 đến Thượng đỉnh GMS 6, Việt Nam vừa đóng vai nhà tổ chức khách quan, công tâm vừa tự tin áp dụng các chuẩn mực, sẵn sàng dẫn dắt các tiến trình hợp tác khu vực phù hợp với lợi ích và năng lực của Việt Nam.

Là nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, một lần nữa Việt Nam khẳng định vị trí trên bản đồ ngoại giao hòa giải thế giới.

Ở một phương diện quan trọng khác, Việt Nam nằm trong nhóm nước đi đầu ủng hộ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và đã bắt đầu đi vào giai đoạn thực hiện nhiều cam kết của các hiệp định thương mại và trong khuôn khổ WTO.

Trong những năm qua, Việt Nam đã rất tích cực chuẩn bị cho chức Chủ tịch ASEAN 2020 và ứng cử Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

TS. Lê Đình Tĩnh cho rằng sự tín nhiệm ngày càng tăng của khu vực và quốc tế đối với Việt Nam chính là thước đo về vai trò vị thế mới của Việt Nam.

Ở cấp độ thứ hai, Nghị quyết 22 không chỉ giúp làm rõ cơ hội, thách thức, xác định những vấn đề đặt ra, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo mà còn nêu những định hướng quan trọng, đánh dấu một bước chuyển về tư duy đối ngoại và là kim chỉ nam hướng dẫn hành động cho các lực lượng làm công tác đối ngoại của đất nước.

Nhờ cách đặt vấn đề toàn diện, phù hợp với xu thế thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, quá trình thực hiện Nghị quyết 22 đã đưa đến một thực tế là mức độ gắn kết giữa hội nhập quốc tế của các lĩnh vực ngày càng cao, mang tính liên ngành, đa tầng nấc.

Đơn cử trong đàm phán Hiệp định CPTPP, Việt Nam không chỉ xử lý vấn đề kinh tế - thương mại - đầu tư mà còn các vấn đề về tiêu chuẩn lao động, môi trường, bảo hộ sở hữu trí tuệ. Các thách thức nêu trong Nghị quyết 22 như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, an ninh biển đòi hỏi tư duy và chính sách đồng bộ.

Trong quá trình triển khai Nghị quyết 22, các lực lượng đối ngoại đã tăng cường chia sẻ thông tin, trao đổi đánh giá, phối hợp chính sách để triển khai nghị quyết, đạt nhiều thành tựu ấn tượng như vừa đề cập ở trên.

Đề cập đến bài học sau 6 năm thực hiện Nghị quyết, TS. Lê Đình Tĩnh cho rằng các bài học xuyên suốt cho ngoại giao Việt Nam luôn là xác định lợi ích, giữ vững độc lập tự chủ, dĩ bất biến ứng vạn biến, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Bên cạnh đó là các bài học kết hợp chặt chẽ giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế, ngoại giao quốc phòng, ngoại giao văn hóa… để tạo sức mạnh tổng hợp cho đất nước; kiên quyết, kiên trì về nguyên tắc nhưng linh hoạt về biện pháp, nhanh chóng nắm bắt những xu thế mới của khu vực, thế giới, vận dụng hài hòa yếu tố thế và lực mới của đất nước trong quá trình thực hiện mục tiêu, thái độ là khiêm tốn, học hỏi nhưng khi cần và có thể, sẵn sàng tự tin, mạnh dạn thể hiện vai trò lớn hơn bởi nhiều lợi ích của chúng ta đã gắn bó chặt chẽ hơn với lợi ích khu vực và thế giới.

Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực thay đổi nhanh chóng và khó lường, đó còn là “phương cách tìm đến vấn đề trước khi vấn đề tìm đến ta”, đúng với tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng của nghị quyết, TS. Lê Đình Tĩnh nhấn mạnh./.

Hải Minh