Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề bà Tuyến hỏi như sau:
Ngày 8/10/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nghị định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2019.
Điều 13 của Nghị định này quy định thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn để làm căn cứ tính hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp như sau:
Thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn là tổng thời gian làm việc có đóng BHXH bắt buộc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn (nếu có thời gian đứt quãng mà chưa hưởng chế độ BHXH thì được cộng dồn), bao gồm:
Thời gian làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội;
Thời gian làm việc trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và cơ yếu.
Cách tính thời gian thực tế làm việc
Tính theo tháng: Trường hợp có từ 50% trở lên thời gian trong tháng thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế--xã hội đặc biệt khó khăn theo chế độ làm việc do cơ quan có thẩm quyền quy định thì được tính cả tháng; trường hợp có dưới 50% thời gian trong tháng thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thì không tính.
Đối với nhà giáo đạt từ 50% định mức giờ giảng trong tháng trở lên thì được tính cả tháng; thời gian nghỉ hè được hưởng lương đối với nhà giáo theo chế độ quy định của cơ quan có thẩm quyền thì được tính hưởng phụ cấp thu hút và phụ cấp ưu đãi theo nghề.
Tính theo năm: Dưới 3 tháng thì không tính; từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng thì được tính bằng 1/2 (một phần hai) năm công tác; Trên 6 tháng thì được tính bằng 1 năm công tác.
Thời gian không được tính hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp
Thời gian không được tính hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp quy định tại Nghị định này, gồm:
Thời gian đi công tác, làm việc, học tập không ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 1 tháng trở lên;
Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên;
Thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH;
Thời gian bị tạm đình chỉ công tác, thời gian bị tạm giữ, tạm giam.
Về vấn đề bà Trần Thị Ngọc Tuyến hỏi, căn cứ Điểm c, Khoản 3, Điều 13 Nghị định số 76/2019/NĐ-CP thì, thời gian cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nghỉ việc hưởng trợ cấp BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH (trong đó có thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với nữ) không được tính hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp quy định tại Nghị định này.
Do thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp BHXH là thời gian không làm việc nên không tính là thời gian thực tế làm việc.
Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 13 Nghị định này có quy định riêng đối với nhà giáo, thời gian nghỉ hè nhà giáo được hưởng lương theo chế độ quy định, được tính hưởng phụ cấp thu hút và phụ cấp ưu đãi theo nghề.
Theo đó, trường hợp nhà giáo nữ sinh con trùng vào thời gian 2 tháng nghỉ hè, cùng với việc hưởng chế độ thai sản do BHXH chi trả, thì nhà giáo còn được hưởng lương và được tính hưởng phụ cấp thu hút, phụ cấp ưu đãi theo nghề của 2 tháng nghỉ hè. Thời gian nhà giáo sinh con hưởng trợ cấp BHXH trùng với 2 tháng nghỉ hè thì được tính 2 tháng thực tế làm việc.
Thời gian nhà giáo nghỉ việc sinh con hưởng trợ cấp BHXH không trùng với thời gian nghỉ hè thì không được tính là thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.