In bài viết

Nghỉ thai sản vẫn được bình xét danh hiệu thi đua

(Chinhphu.vn) - Vợ ông Doãn Thanh Hùng (Hưng Yên) là giáo viên. Năm 2013, vợ ông nghỉ sinh con và đã nghỉ trước khi sinh 2 tháng, vì thế trong đợt xét thi đua cuối năm học, nhà trường quyết định không công nhận danh hiệu "Lao động tiên tiến" cho vợ ông và trừ 1 tháng lương vì nghỉ trước khi sinh. Ông Hùng hỏi, nhà trường làm như vậy có đúng quy định không?

09/05/2014 08:02

Ảnh minh họa

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Hùng hỏi như sau:

Về thời gian nghỉ trước khi sinh con

Khoản 1, khoản 2 Điều 157 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định, lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.

Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH.

Theo khoản 2, Điều 28, Điều 34 và Điều 37 Luật BHXH, lao động nữ sinh con phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng chế độ như sau:

 - Khi sinh con được trợ cấp một lần bằng 2 tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con.

- Hưởng chế độ thai sản khi sinh con với mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng BHXH. Thời gian này người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH.

- Trường hợp lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 5 ngày đến 10 ngày trong một năm.

Nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung; phải nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung mức hưởng một ngày bằng 40% mức lương tối thiểu chung.

4 tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”

Khoản 1 Điều 24 Luật thi đua, khen thưởng quy định, danh hiệu “Lao động tiên tiến” được xét tặng cho cán bộ, công chức, viên chức đạt các tiêu chuẩn:

- Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt năng suất và chất lượng cao.

- Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có tinh thần tự lực, tự cường; đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua.

- Tích cực học tập chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ.

- Có đạo đức, lối sống lành mạnh.

Ngày 24/11/2011, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 02/2011/TT-BNV hướng dẫn thực hiện Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng

Căn cứ điểm a, mục 2, phần I Thông tư số 02/2011/TT-BNV, danh hiệu “Lao động tiên tiến” được xét công nhận đối với các cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, đơn vị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Điều 24 Luật Thi đua,khen thưởng. Mỗi năm xét một lần vào dịp tổng kết năm công tác của cơ quan, đơn vị.

Đối tượng nữ nghỉ thai sản theo chế độ quy định của Nhà nước và những người có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản, những người trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu do bị thương tích cần điều trị, điều dưỡng theo kết luận của cơ quan y tế, thì thời gian nghỉ vẫn được tính để xem xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”.

Cá nhân đi học, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 1 năm, nếu đạt kết quả từ loại khá trở lên, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì kết hợp với thời gian công tác tại cơ quan, đơn vị để bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Các trường hợp đi đào tạo từ 1 năm trở lên, có kết quả học tập từ loại khá trở lên thì năm đó được xếp tương đương danh hiệu “Lao động tiên tiến”, để làm căn cứ xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng khác.

Đối với cá nhân thuyên chuyển công tác thì đơn vị mới có trách nhiệm xem xét, bình bầu danh hiệu “Lao động tiên tiến”, trên cơ sở có ý kiến nhận xét của đơn vị cũ (đối với trường hợp có thời gian công tác ở đơn vị cũ từ 6 tháng trở lên).

Không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” cho các trường hợp không đăng ký thi đua; mới tuyển dụng dưới 10 tháng; nghỉ việc từ 40 ngày làm việc trở lên; bị xử phạt hành chính; bị kỷ luật từ khiển trách trở lên.

Nếu sự việc đúng như thông tin ông Doãn Thanh Hùng phản ánh, căn cứ các quy định của pháp luật được viện dẫn nêu trên, thì việc vợ ông Hùng nghỉ sinh con trước khi sinh không quá 2 tháng theo chế độ nghỉ sinh con 6 tháng là phù hợp với quy định tại Điều 157 Bộ luật Lao động.

Nếu vợ ông Hùng đạt 4 tiêu chuẩn thi đua nêu tại khoản 1 Điều 24 Luật Thi đua, khen thưởng, mà nhà trường lấy lý do vợ ông Hùng nghỉ sinh con trước khi sinh 2 tháng để không xét danh hiệu "Lao động tiên tiến" và trừ một tháng tiền lương đối với vợ ông là trái với quy định của Bộ Luật lao động, pháp luật về BHXH, pháp luật về thi đua khen thưởng hiện hành.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vợ ông Hùng có thể trực tiếp, hoặc thông qua tổ chức công đoàn cơ sở khiếu nại đến Hiệu trưởng nhà trường, yêu cầu nhà trường thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho bà.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.