Cuộc bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu (EP) là một trong những bước cuối cùng trước khi các quy tắc trở thành luật, có thể đóng vai trò là hình mẫu cho những nơi khác thực hiện các quy định tương tự liên quan đến việc quản lý trí tuệ nhân tại (AI).
Tại EU, mặc dù các biện pháp quản lý AI được khởi động từ năm 2021 nhưng phải đến khi ChatGPT tạo nên cơn sốt toàn cầu vào cuối năm 2022 với những tiến bộ đáng kinh ngạc cùng những nguy cơ tiềm tàng, việc soạn thảo bộ luật mới trở nên cấp bách hơn. Theo đó, luật mới sẽ chi phối bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ nào sử dụng AI.
Luật mới của EU sẽ quản lý AI dựa trên mức đánh giá nguy cơ rủi ro từ tối thiểu đến không thể chấp nhận được (ví dụ AI có nguy cơ đe dọa quyền cá nhân hoặc sức khỏe con người càng cao thì phải chịu càng nhiều chế tài).
Danh sách nguy cơ rủi ro cao được EU đề xuất gồm sử dụng AI trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng trọng yếu, giáo dục, nhân sự, an ninh trật tự, lý di cư.
Các hệ thống AI tạo sinh như ChatGPT và DALL-E (đều do Công ty khởi nghiệp OpenAI của Mỹ phát triển) có khả năng tạo ra văn bản, hình ảnh, mã hóa, âm thanh và các sản phẩm truyền thông khác sẽ chịu một số yêu cầu đặc biệt như phải thông báo tới người dùng rằng đó là sản phẩm do AI tạo ra.
Sau cuộc bỏ phiếu thông qua dự thảo luật nói trên, các cuộc đàm phán giữa EP và 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) về bộ luật hoàn chỉnh cuối cùng được tiến hành ngay từ ngày 14/6.
Nếu thực hiện được mục tiêu tham vọng đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay, EU sẽ có bộ luật đầu tiên trên thế giới về quản lý hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI).
theo TTXVN