In bài viết

Nghiên cứu khoa học: Cần đúng, mới, hay

(Chinhphu.vn) – Ngày 16/12, sinh viên, giảng viên ĐHQG Hà Nội đã có buổi trao đổi thảo luận thú vị với GS. Ngô Bảo Châu về chủ đề “Nâng cao tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học” trong Chương trình Café số 6.

17/12/2013 10:39
GS. Ngô Bảo Châu tham quan phòng truyền thống của ĐHQG Hà Nội. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà
Chương trình Café là hoạt động ngoại khóa thường xuyên của CLB nhà khoa học của ĐHQG Hà Nội.

Tại buổi sinh hoạt, giáo viên, cán bộ, nghiên cứu sinh và sinh viên của ĐHQG Hà Nội đã được GS. Ngô Bảo Châu, cố vấn chiến lược của trường, chia sẻ nhiều kinh nghiệm của ông về nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp (NCKH).

 10 quy trình NCKH của GS. Ngô Bảo Châu
 
Theo GS. Ngô Bảo Châu, thực ra không có sách vở nào đúc kết các quy trình NCKH. Là người may mắn được học ở môi trường và thầy cô giáo tốt, làm NCKH từ rất sớm, GS. Ngô Bảo Châu đã tự đúc rút ra 10 quy trình NCKH từ kinh nghiệm của bản thân.

Thứ nhất là xác định phạm vi, lĩnh vực nghiên cứu. Thứ hai, xác định vấn đề nghiên cứu. Theo GS. Châu, việc tìm ra câu hỏi ban đầu là mấu chốt quan trọng để xác định đề tài, chủ đề nghiên cứu. Thứ ba, nên cập nhật thông tin bằng việc tìm 1 cuốn sách và 10-20 bài báo xuất hiện trong 2-3 năm gần nhất có liên quan đến vấn đề mình quan tâm, trong đó có 5 bài báo kinh điển. Nhờ vậy, mới có thể hiểu được vấn đề đã được nghiên cứu tới đâu và bằng những phương pháp gì; có điểm gì có thể học tập, điểm gì có thể tiếp tục khai phá.

Ở quy trình này, GS. Ngô Bảo Châu cho rằng, bước quan trọng là nên có một nhóm bạn/đồng nghiệp tham gia tự nguyện, không vụ lợi, cùng với người nghiên cứu khám phá vấn đề mới. Điều này sẽ tạo nên môi trường NCKH và gắn kết mọi người với nhau.

Thứ tư, xác định hướng giải quyết vấn đề, gồm lập kế hoạch về nhân sự, tài chính bằng việc sử dụng phương pháp đương đại. Ở bước này rất cần sự minh bạch trong việc hợp tác số người cùng NCKH ngay từ đầu. Thứ năm, tự lập kế hoạch, trong đó tiên lượng trước thời gian cho phép thực hiện cũng như lường trước khó khăn. Thứ sáu, gói lại công việc gồm làm rõ những gì đã làm được, kể cả các việc chưa làm được, để nó sẽ là tiền đề cho công trình nghiên cứu tiếp theo.

Thứ bảy, viết bài báo. Theo kinh nghiệm của GS. Châu, nên chọn 3 bài báo và chép lại bằng tay từ đầu đến cuối. “Điều này sẽ giúp các bạn nắm được phong cách, văn phong cũng như cách trình bày, đặt vấn đề của một bài báo khoa học”, GS. giải thích.

Thứ tám, luân chuyển bài báo đến các đồng nghiệp để xin ý kiến, rồi trình bày trước hội đồng khoa học để nhận phản hồi. Thứ chín, hoàn thiện lại bản báo cáo một lần nữa theo góp ý phản hồi của bạn bè đồng nghiệp.

Cuối cùng là gửi bài báo cho tạp chí. Ở quy trình này, GS. Châu đưa ra lời khuyên, nên chọn ban biên tập có quan tâm và thực sự hiểu đề tài mình thực hiện.

Cùng với 10 quy trình nêu trên, 3 phẩm chất của công trình NCKH được GS Ngô Bảo Châu đúc kết, đó là: Đúng và trung thực; mới; hay và quan trọng. Giáo sư cũng đặc biệt nhấn mạnh 2 phẩm chất đúng, trung thực và mới. Đây là 2 yếu tố không thể thiếu của một người làm khoa học, nếu không trung thực và khám phá ra cái mới trong khoa học, mọi thứ đều vô nghĩa.

…Và những trăn trở của ĐHQG Hà Nội
GS. NGô Bảo Châu và GS. Nguyễn Hữu Đức giải đáp các thắc mắc cho giảng viên và sinh viên tại buổi sinh hoạt. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà

Tại buổi sinh hoạt, GS. Ngô Bảo Châu cũng đã cùng với GS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội giải đáp các thắc mắc của các nhà nghiên cứu, giảng viên.

Khẳng định thêm một lần nữa với các nhà nghiên cứu và sinh viên của CLB về định hướng phát triển thành ĐH nghiên cứu hàng đầu, GS. Nguyễn Hữu Đức cũng chia sẻ những trăn trở của Ban lãnh đạo ĐHQG Hà Nội.

Đó là, tuy đã phát triển thành ĐH nghiên cứu từ 20 năm trước, thế nhưng đến nay với sự thay đổi của cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ trên thế giới khiến việc xác định lại mục tiêu phát triển ĐHQG Hà Nội thành ĐH nghiên cứu lại trở thành cấp bách hơn lúc nào hết.

ĐHQG Hà Nội xác định NCKH là nền tảng, là động lực, vì khi thực hiện tốt sẽ giúp các giảng viên, nhà khoa học nâng cao trình độ và chất lượng đào tạo, đồng thời cung cấp nhiều sản phẩm cho cộng đồng và phục vụ xã hội.

GS. Đức cũng chia sẻ những trăn trở hiện nay của tập thể Ban lãnh đạo ĐHQG, đó là sẽ phát triển theo con đường nghiên cứu khoa học hàn lâm, tinh hoa hay khoa học nghiên cứu ứng dụng? Làm thế nào để ĐHQG phát triển KHCN bền vững? Trường sẽ đi từ nghiên cứu khoa học cơ bản hay khoa học ứng dụng? Làm thế nào để xây dựng sự chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học, từ đó giữ vững vai trò là ĐH nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước, lọt top 500 ĐH hàng đầu của thế giới?

GS. Đức mong đợi, với sự tự tìm tòi con đường đi của Ban lãnh đạo cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của GS. Ngô Bảo Châu, ĐHQG Hà Nội sẽ tìm ra hướng phát triển hợp lý và đúng đắn nhất về con đường phát triển nói chung và hướng nghiên cứu khoa học nói riêng trong tương lai.

Nguyệt Hà