In bài viết

Nghiên cứu kinh nghiệm truyền thông chính sách tại Hàn Quốc

(Chinhphu.vn) – Từ ngày 28/7 đến ngày 11/8, đoàn cán bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có chuyến nghiên cứu, học tập tại Hàn Quốc.

13/08/2018 14:47
Tìm hiểu bí quyết đưa tin nóng (breaking news) của Đài Truyền hình YTN.

Chuyến nghiên cứu, học tập được thực hiện theo khuôn khổ “Đề án hỗ trợ Học viện Báo chí và Tuyên truyền nâng cao năng lực thực thi chính sách của Chính phủ”, do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ và Đại học Korea thực hiện.

Đoàn gồm các cán bộ, giảng viên của Học viện và phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương do PGS.TS. Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện làm trưởng đoàn. Chương trình gồm các bài giảng trên lớp và các chuyến thăm quan, khảo sát tại các cơ quan báo chí và truyền thông của Hàn Quốc.

Tại Đại học Korea – một trong ba trường đại học tốt nhất tại Hàn Quốc và thuộc nhóm 100 trường tốt nhất thế giới – đoàn đã nghe các bài thuyết trình về làn sóng Hàn lưu, sự thay đổi của truyền thông trong thời đại mobile, mô hình báo chí và truyền thông Hàn Quốc, quảng bá chính sách và quản lý rủi ro… Các bài giảng giúp các thành viên cập nhật thông tin về bối cảnh, xu hướng và giải pháp của truyền thông Hàn Quốc.

Một trong những trọng tâm của đoàn là xây dựng kế hoạch hành động nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn về chính sách tại Việt Nam. Kế hoạch hành động cần có khả năng thực hiện trong thực tế, gắn với bối cảnh đặc thù của Việt Nam và vận dụng những kiến thức đã trao đổi tại Hàn Quốc. Trên cơ sở các góp ý của các giáo sư, các nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện kế hoạch để triển khai.

Bên cạnh các hoạt động tại trường, đoàn đã đến thăm và tìm hiểu hoạt động của các đài truyền hình SBS, KBS, YTN và MBC. Các đài truyền hình này đều đang nỗ lực giải quyết bài toán phương thức hoạt động, niềm tin công chúng và cơ cấu doanh thu. Sự trỗi dậy của các phương tiện truyền thông xã hội làm phân tán sự chú ý của công chúng đồng thời khiến các cơ quan báo chí truyền thống suy giảm doanh thu quảng cáo.

Truyền thông chính sách gắn liền với bối cảnh báo chí và truyền thông cụ thể của mỗi nước. Truyền thông Hàn Quốc đang đứng trước những thay đổi to lớn về công nghệ và công chúng. Công chúng trẻ ở độ tuổi 25 đến 35 chủ yếu tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội và bằng thiết bị di động. Nhóm công chúng này cũng ít quan tâm đến tin tức thời sự hơn so với nhóm công chúng ở độ tuổi trên 60.

Đoàn cũng đã đến trao đổi kinh nghiệm truyền thông chính sách tại Toà thị chính Thành phố Seoul, khám phá văn hoá Hàn Quốc tại Bảo tàng Dân tộc học và tìm hiểu hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tại tập đoàn viễn thông KT… Đây là những kiến thức hữu ích giúp các thành viên trong đoàn tìm hiểu bối cảnh truyền thông Hàn Quốc nói chung và các kinh nghiệm truyền thông chính sách cụ thể.

BT