Nhiều sinh viên thành đạt nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ - Ảnh minh họa |
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan liên quan dự báo nhu cầu vốn thực hiện Chương trình tín dụng đối với HSSV đến năm 2017 để xây dựng kế hoạch, cơ cấu về nguồn vốn đảm bảo thực hiện đến năm 2015.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất nâng mức cho vay đối với HSSV đảm bảo đủ để các em trang trải học phí và hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt ở mức hợp lý trên cơ sở lộ trình tăng học phí đã được Chính phủ phê duyệt, có sự khác nhau theo học phí của các chương trình đào tạo.
Trên cơ sở cân đối khả năng đáp ứng từ ngân sách, Bộ Tài chính cùng với các đơn vị trên rà soát, nghiên cứu, đề xuất chính sách cụ thể về cho vay đối với hộ gia đình gặp khó khăn do có từ 2 con trở lên đang theo học tại các trường, cơ sở đào tạo mà hiện nay chưa thuộc đối tượng được vay vốn.
Nghiên cứu gia hạn nợ thêm cho HSSV đã tốt nghiệp nhưng khó khăn về việc làm
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu, gia hạn nợ thêm đối với các trường hợp HSSV đã tốt nghiệp nhưng gặp khó khăn về việc làm chưa trả được nợ; rà soát nhu cầu vốn và chính sách, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2013 để công bố trong tháng 4/2013 về các điều chỉnh đối với chính sách dự kiến thực hiện từ năm học 2014...
Được biết, Chương trình tín dụng đối với HSSV là chương trình có ý nghĩa về kinh tế, chính trị và xã hội sâu sắc. Chương trình đã giúp nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn giảm đáng kể gánh nặng tài chính, tạo cơ hội cho con em họ có điều kiện để học tập, có nghề, vươn lên...
Sau 5 năm thực hiện Chương trình đã có hơn 3 triệu lượt học sinh được vay vốn, với doanh số cho vay đạt trên 43.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2012 có gần 1,9 triệu hộ gia đình đang vay vốn cho trên 2,3 triệu em đi học.
Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các em HSSV, vừa qua Phó Thủ tướng đã đề nghị các bộ, ngành liên quan cần xem xét mức tăng hỗ trợ mức vay bình quân thêm 100.000 đồng - 200.000 đồng/HSSV/tháng gắn với lộ trình tăng học phí; đồng thời rà soát lại việc gia hạn chậm trả nợ để có cách tháo gỡ hợp lý, nhưng không được gây sức ép quá lớn và nâng cao trách nhiệm với những đối tượng vay vốn.
Quốc Hà