PMI tháng 6 giảm xuống 48,9 điểm, lượng đơn hàng mới thấp nhất trong hai năm.
Tại Báo cáo số 586/2025/TTĐT ngày 1/7/2025 của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ điểm thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có 2 nội dung:
"PMI tháng 6 giảm xuống 48,9 điểm, lượng đơn hàng mới thấp nhất trong hai năm": Theo báo cáo từ S&P Global, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index™ (PMI) ngành Sản xuất Việt Nam (VN) của S&P Global đã giảm xuống mức 48,9 điểm trong tháng 6 so với 49,8 của tháng 5. Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp PMI nằm dưới ngưỡng 50 điểm, báo hiệu sự suy giảm nhẹ của các điều kiện kinh doanh vào thời điểm sắp hết nửa đầu năm, đồng thời lượng đơn hàng mới đang ở mức thấp nhất trong hai năm. Các chuyên gia S&P Global nhận định, các nhà sản xuất VN tiếp tục đối mặt với tình trạng nhu cầu yếu kém trong tháng 6, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu. Mặc dù, lượng đơn hàng mới sụt giảm nhưng sản lượng ngành sản xuất lại tiếp tục tăng nhẹ. Về khía cạnh giá cả, chi phí đầu vào tăng nhẹ sau khi giảm vào tháng 5, từ đó khiến giá bán hàng tăng lần đầu tiên kể từ đầu năm 2025 đến nay.
"Giãn lộ trình kiểm tra tem nhãn hàng hóa để doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi" : Mặc dù kỳ vọng từ việc sáp nhập tỉnh thành, nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn với các thủ tục từ việc cập nhật địa chỉ trên hóa đơn, thay đổi bao bì đến thủ tục ngân hàng, xuất nhập khẩu... Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc thương hiệu cà phê Meet More, cho biết Công ty chỉ đổi địa chỉ hành chính trên giấy tờ từ xã Nhị Bình (huyện Củ Chi) thành xã Đông Thành vì nhà máy vẫn ở nguyên vị trí cũ. Nhưng thị trường quốc tế không "linh hoạt" như trong nước nên mọi hồ sơ xuất khẩu đều gắn chặt địa chỉ đăng ký. Điều khiến DN lo lắng hơn là thời gian làm lại hồ sơ không hề ngắn khi đăng ký mã nhà sản xuất mới có thể mất 4 - 6 tháng, thậm chí lâu hơn với một số thị trường khó tính. Ngoài ra, bài toán đau đầu hơn với DN là bao bì khi tồn kho lượng lớn vỏ hộp, tem nhãn đã in sẵn địa chỉ cũ nên DN phải làm lại từ đầu để thay bao bì. Do đó, ông Luận cho rằng các cơ quan quản lý cần giãn lộ trình kiểm tra tem nhãn để DN có thời gian chuyển đổi, tránh lãng phí các bao bì đã in. Bên cạnh đó, các DN cũng đang dồn lực điều chỉnh lại hệ thống phần mềm, hợp đồng... để đảm bảo xuất hóa đơn VAT, vì các hợp đồng đều phải chính xác địa chỉ. Ông Nguyễn Văn Trí, Tổng Giám đốc Công ty Lập Phúc, cho rằng Nhà nước nên có độ trễ hợp lý, cần có lộ trình cho DN từ 3 - 6 tháng để điều chỉnh từ từ.
Về vấn đề trên, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu thông tin báo chí theo tổng hợp của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nêu trên; chủ động có giải pháp phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Phương Nhi