Về việc Bộ VHTT&DL kiến nghị nhiều giải pháp (như đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, mở rộng danh sách quốc gia được miễn thị thực, ưu tiên các nước EU và Mỹ...) nhằm phục hồi du lịch, thu hút khách du lịch quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh đón khách quốc tế chưa đạt được 1 triệu khách trong 7 tháng, trong khi mục tiêu của cả năm là 5 triệu khách, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao tổ chức vào chiều 11/8, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
Dịch COVID-19 không những chưa chấm dứt, mà còn có những diễn biến khó lường, phức tạp với những biến chủng mới, khả năng lây nhiễm nhanh hơn và truyền bệnh dễ hơn. Song song với đó là việc xuất hiện những bệnh dịch mới, mà WHO đánh giá là rất đáng ngại, như bệnh đậu mùa khỉ…
Một số quốc gia vẫn chưa sẵn sàng mở cửa và vẫn hạn chế đi lại, trong đó có các quốc gia, vùng lãnh thổ là thị trường du lịch hàng đầu của Việt Nam.
Thêm vào đó, tình hình kinh tế thế giới vẫn bị ảnh hưởng sau đại dịch, cho nên hoạt động du lịch quốc tế vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn như mong muốn. Việt Nam không nằm ngoài phạm vi này.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch, thích ứng với tình hình mới, trong thời gian vừa qua, Bộ Ngoại giao đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan chức năng trong nước và tích cực trao đổi với các đối tác quốc tế, nhằm tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho công dân nước ngoài và công dân Việt Nam, ví dụ như việc đẩy mạnh trao đổi đàm phán công nhận hộ chiếu vaccine, thúc đẩy ký kết các hiệp ước quốc tế về xuất nhập cảnh với các nước…
Trên thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia phục hồi chính sách xuất nhập cảnh sớm nhất trên thế giới, từ ngày 15/3/2022, bằng việc nối lại cấp thị thực, chính sách miễn thị thực với các nước.
Việt Nam được đánh giá là một trong những nước Đông Nam Á có chính sách xuất nhập cảnh thuận lợi nhất sau đại dịch COVID-19.
"Chúng tôi cho rằng, để thực sự thúc đẩy phục hồi phát triển bền vững ngành du lịch thì các cơ quan chức năng và địa phương liên quan phải tập trung xây dựng môi trường du lịch xanh, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng du lịch phù hợp với nhu cầu của khách du lịch", Người phát ngôn Bộ ngoại giao chia sẻ.
Song song với đó là tăng cường truyền thông, quảng bá về du lịch Việt Nam ra thế giới, đặc biệt là sử dụng các công nghệ hiện đại, đổi mới về nội dung thông tin hấp dẫn hơn.
Đây là quan điểm và cũng là định hướng của Bộ VHTT&DL trong thời gian tới.
"Về phần mình, ngoài những đóng góp nêu trên, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng chính sách xuất nhập cảnh, phù hợp với tình hình mới, cũng như các quy định hiện hành", bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Hoàng Tùng