Trao đổi với phóng viên, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, đúng là thời gian gần đây, có một số vụ ngộ độc thực phẩm tại các hộ gia đình do người dân tự chế biến hoặc tiệc trong làng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người sử dụng.
Bệnh nhân bị suy hô hấp sau khi dùng món bún riêu có sử dụng patê chay đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM). |
“Các ca ngộ độc trên diễn biến rất nặng. Bước đầu đều được xác định nguyên nhân do nhiễm độc tố của Botulinum - một độc tố được sinh ra trong môi trường yếm khí, điều kiện vệ sinh không bảo đảm”, bà Trần Việt Nga cho biết.
Đối với vụ ngộ độc tại Bình Dương, bà Trần Việt Nga cho biết, điều tra bước đầu vụ ngộ độc này cho thấy, các nạn nhân cùng ăn món bún riêu chay tự nấu, có sử dụng hộp pate đã bị phồng cho vào bún.
Vụ ngộ độc tại Kon-Tum, các nạn nhân đều ăn cá tự muối được bảo quản qua túi hút khí chân không.
Theo bà Nga, 2 vụ ngộ độc trên là điển hình của xu hướng ngộ độc thực phẩm tăng lên trên thế giới cũng như Việt Nam hiện nay do trào lưu sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm, bảo quản thực phẩm không đúng cách, sử dụng đồ hộp không đảm bảo chất lượng...
“Các loại thực phẩm gần đây gây ngộ độc do độc tố Botulinum là những thực phẩm đóng hộp hoặc tự đóng gói, phổ biến là thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không bảo đảm. Ngộ độc do độc tố Botulinum là ngộ độc rất nặng, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo đều có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn và sinh độc tố Botulinum”, bà Nga cho biết.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Việt Nga khuyến cáo người dân, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn, bị phồng, bẹp hoặc biến dạng. Vì nếu hộp bị phồng, méo thì sản phẩm đã bị lỗi và có khả năng đã bị nhiễm vi khuẩn và sinh độc tố. Vì vậy, người sử dụng rất dễ bị ngộ độc yếm khí.
Hiện nay, nhiều người đang có thói quen chế biến thực phẩm và hút chân không để ngăn mát tủ lạnh hoặc bên ngoài môi trường với nhiệt độ bình thường để sử dụng dần. Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, thói quen này sẽ tiểm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc Botulinum. Vì muốn đóng gói đồ hộp hay hút chân không thực phẩm, người dân cần áp dụng các quy trình chuẩn về khử trùng đồ hộp ở nhiệt độ cao, không đóng gói, hút chân không thực phẩm khi công nghệ không bảo đảm.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, sau khi sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như mệt mỏi, sụp mi mắt, yếu cơ tứ chi, khó nuốt, liệt cơ, khó thở... thì cần đến ngay cơ ở y tế gần nhất để được khám và xử lý kịp thời.
Riêng người bệnh bị ngộ độc do độc tố Botulinum có biểu hiện buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, thậm chí liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân, liệt các cơ hô hấp; liệt nặng có thể gây suy hô hấp và gây tử vong, bà Nga lưu ý.
Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ hoặc hộ gia đình không nên cho thực phẩm đóng gói kín, không đủ điều kiện tiệt trùng vì nguy cơ ngộ độc độc tố Botulinum rất lớn do độc tố này được sinh ra trong môi trường yếm khí, khi dụng cụ bao gói không đảm bảo an toàn.