Tại buổi gặp mặt của Lãnh đạo Chính phủ với đại diện nữ trí thức tiêu biểu và trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2023, chiều 7/3, GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam đã có nhiều chia sẻ về "ngôi nhà chung" của đội ngũ nữ trí thức cả nước.
GS.TS Lê Thị Hợp cho biết, cách đây 13 năm - đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2011, Hội Nữ trí thức Việt Nam được thành lập, là Hội thành viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nữ trí thức Việt Nam trở thành "ngôi nhà chung" của đội ngũ nữ trí thức cả nước. Hội Nữ trí thức Việt Nam có sứ mệnh tập hợp, kết nối, phát huy tiềm năng trí tuệ và khả năng đóng góp to lớn của lực lượng nữ trí thức, đồng thời nghiên cứu đề xuất, tham gia phản biện, xây dựng chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan đến phụ nữ nói chung và nữ trí thức nói riêng.
Sau 13 năm hoạt động, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã không ngừng phát triển. Đến nay, Hội tự hào đã có hơn 5.500 hội viên thuộc 8 Hội thành viên tại 8 tỉnh, thành phố; 33 Chi hội trực thuộc tại các cơ quan Trung ương, trường Đại học, viện nghiên cứu và 2 Chi hội tại Bình Định và Quảng Ninh. Hiện tại, Hội có 23 giáo sư, trên 200 phó giáo sư, trên 700 tiến sĩ và khoảng trên 200 thạc sĩ.
Các hội viên của Hội Hội Nữ trí thức Việt Nam đến từ tất cả các ngành, các lĩnh vực như giáo dục đào tạo, nông nghiệp, y tế, kinh tế, môi trường, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn, ngoại giao, văn hoá nghệ thuật... và một số cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cao cấp đã quan tâm và tham gia sinh hoạt trong tổ chức của Hội.
Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cho biết: Hội tự hào có 2 Anh hùng Lao động, đó là GS.TS. Huỳnh Phương Liên (Y tế - Vaccine) và PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm (Nông nghiệp). Nhiều hội viên đã được tôn vinh trong nước và quốc tế, được nhận những giải thưởng cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KHCN, Giải thưởng Tạ Quang Bửu, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa, giải thưởng của các Bộ ngành, các tỉnh, thành phố và các giải thưởng quốc tế như Kovalevskaia, L'Oral - UNESCO...
Cùng với việc kiện toàn, phát triển tổ chức, Hội Nữ trí thức Việt Nam tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm với nhiều hoạt động phong phú và hiệu quả. Một trong những nhiệm vụ cơ bản của Hội là nâng cao vai trò của nữ trí thức trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Hội đã tổ chức 3 Hội nghị nữ khoa học toàn quốc và hàng chục hội thảo khoa học quốc gia về nhiều lĩnh vực.
Từ thực tiễn hoạt động, Hội đã đúc kết, đóng góp được nhiều ý kiến tư vấn, phản biện xã hội trong quá trình xây dựng chính sách về giáo dục, khoa học công nghệ và bình đẳng giới, đặc biệt là đóng góp ý kiến vào Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Hợp tác quốc tế cũng là một trong những mặt mạnh trong hoạt động của Hội, được giới trí thức trong và ngoài nước đánh giá cao. Từ năm 2013 Hội đã trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á – Thái Bình Dương (INWES - APNN). Hội đã phối hợp với Hội LHPN Việt Nam đăng cai, tổ chức thành công Hội nghị APNN tại Việt Nam năm 2018 và đã được bầu chọn và sẽ tổ chức Hội nghị INWES-APNN lần thứ 2 tại Việt Nam ngày 4-5/10/2024.
Tuy nhiên, GS.TS Lê Thị Hợp cho biết trên thực tế, nhiều địa phương hiện nay chưa thành lập Hội/chi hội nữ trí thức, số lượng nữ trí thức của Hội Nữ trí thức Việt Nam chưa nhiều, cần phát triển đội ngũ nữ trí thức vững mạnh trên toàn quốc. Việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức còn hạn chế. Còn định kiến "giới" trong văn hóa truyền thống và một số rào cản từ chính bản thân nữ trí thức và gia đình.
Từ những hạn chế tồn tại đó, Hội Nữ trí thức Việt Nam xác định rõ mục tiêu cơ bản cần hướng đến. Đó là: Nâng cao năng lực của Hội, phát huy tính tự chủ, sáng tạo, hiệu quả của nữ trí thức trong công tác đào tạo, hoạt động KH-CN; thực hiện tốt công tác tư vấn, phản biện xã hội…
Thông qua hoạt động của Hội, tập hợp lực lượng nữ trí thức trong các lĩnh vực khác nhau, kết nối nữ trí thức trong và ngoài nước, phát huy tiềm năng, trí tuệ của nguồn nhân lực nữ nhằm nghiên cứu, đề xuất, tham gia phản biện, xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong các lĩnh vực, đặc biệt là vấn đề bình đẳng giới.
Xây dựng nữ trí thức Việt Nam ngày càng vững mạnh trên phạm vi toàn quốc đảm bảo cả về số lượng và chất lượng nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ của Hội, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Hội rất chú trọng nâng cao vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên và đội ngũ nữ trí thức, làm cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị với đội ngũ nữ trí thức cả nước.
Nghiên cứu các giải pháp để nữ trí thức tham gia vào các lĩnh vực, ngành nghề có hàm lượng tri thức cao và tăng tỷ lệ nữ tham gia vào các cấp ra quyết định của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Thay mặt Hội Nữ trí thức Việt Nam, Chủ tịch Lê Thị Hợp đề nghị Chính phủ, các bộ, ban, ngành, Hội LHPN Việt Nam quan tâm chỉ đạo và ủng hộ về việc nâng cao nhận thức của cộng đồng, các cấp lãnh đạo, quản lý, nam trí thức về vị thế, vai trò, cũng như thành tựu đóng góp của phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội hiện nay.
Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi về đào tạo trong và ngoài nước đối với các nữ trí thức trẻ, nữ sinh viên, thúc đẩy sự phát triển sớm và toàn diện nguồn nhân lực nữ trong hoạt động KH-CN; cần có cơ chế, chính sách phù hợp thúc đẩy thương mại hóa, khởi nghiệp kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của các nữ khoa học và nữ trí thức doanh nhân.
Đặc biệt, nên có Giải thưởng chuyên biệt của Nhà nước cho các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các chương trình/đề tài khoa học cấp quốc gia.
Theo GS.TS Lê Thị Hợp, Bộ KHCN nên thí điểm một Chương trình KH-CN cấp quốc gia cho các nhà khoa học nữ: "Chương trình KH-CN cấp quốc gia nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo cho các nhà khoa học nữ".
Liên Hà