In bài viết

Ngôi trường gieo những mầm xanh

(Chinhphu.vn) - Không còn những hình ảnh rụt rè, lạ lẫm hay ánh mắt ngại ngùng như ngày đầu đặt chân đến trường, trên gương mặt 200 em nhỏ không may mất cha, mẹ trong đại dịch COVID-19 từ khắp 41 tỉnh, thành phố trong cả nước giờ đây là những ánh mắt nụ cười rạng ngời sau những giờ lên lớp và sống trong tình thương của trường Hy Vọng.

26/08/2022 12:45
Ngôi trường gieo những mầm xanh - Ảnh 1.

Không gian sinh hoạt của các em trường Hy vọng được thiết kế theo kiến trúc mở, nhiều mảng xanh, phù hợp với cầu học tập và vui chơi, hoạt động của học sinh - Ảnh: VGP/Minh Trang

Đại dịch COVID-19 dần lùi xa nhưng vẫn để lại đó những nỗi đau mất đi người thân, không ít những đứa trẻ rơi vào vòng xoáy nghiệt ngã, không còn chỗ dựa là cha, mẹ bao bọc chở che. Trong hành trình thích nghi với cuộc sống mới ấy, có ngôi trường mang tên Hy vọng đang dần lấp đầy những khoảng trống, giang rộng yêu thương, chắp cánh cho các em đi tới những ước mơ.

Những mầm xanh trở lại

Vào một buổi chiều cuối tháng 8, có mặt tại trường Tiểu học, THCS và THPT Hy Vọng (Hope School) sau giờ tan học, chúng tôi chứng kiến cảnh các bạn nhỏ "Hoper" (học sinh Hope School-PV) từ lớp 1 đến lớp 12 cười vui, "ríu ra ríu rít" xếp thành hai hàng ngay ngắn như những chú chim non về tổ ấm.

Vừa tan trường trở về nơi ở, bé Lưu Gia Linh (6 tuổi), học sinh nhỏ tuổi nhất của trường sà ngay vào vòng tay của cô Ái, cô quản sinh mà bé gần gũi nhất, nở nụ cười hạnh phúc khoe "hôm nay con được điểm 10".

Gia Linh cùng anh trai Lưu Đức Hòa (7 tuổi) đều được học, nuôi dưỡng, chăm sóc tại trường Hy Vọng. "Con rất vui khi đến trường, vui nhất là được chơi, được tập hát cùng nhiều anh chị. Các chị cùng con vẽ tranh mỗi tối, rồi còn giúp con học bài. Con vui khi sống ở ngôi trường này", Linh cười nói.

Mất cha trong đại dịch, gia đình còn mẹ và anh trai, tính đến hôm nay, Trần Ngọc Huy (14 tuổi, TPHCM), hiện là học sinh lớp 9, đã đến trường Hy Vọng được ba tuần. Chưa bao giờ em đi xa thành phố nên ban đầu cũng thấy lạ lẫm và nhớ mẹ nhưng giờ đã dần quen và bắt nhịp với môi trường mới.

"Ở đây điều kiện ăn ở tốt lắm, được thầy cô quan tâm, động viên nên con đã hòa nhập nhanh. Ngoài giờ học con còn được đi tắm biển, tham gia chăm sóc vườn rau và chơi thể thao với các em, các bạn. Chúng con được nhà trường tổ chức ăn uống, sinh hoạt nền nếp. Các bữa ăn được bảo đảm, chúng con không phải lo lắng về cái ăn, cái mặc, được học tập đầy đủ, chu đáo", Huy trải lòng.

Theo ghi nhận tại trường, các em được chia thành "tiểu đội" 12 người và việc quản lý được giao cho từng giáo viên. Sự phân chia này sẽ giúp các em quản lý, bảo ban nhau dễ hơn theo từng nhóm. Mỗi buổi sáng các em sẽ dậy lúc 5h30, tập thể dục và vệ sinh cá nhân, chuẩn bị cho một ngày mới. 

Bạn nhỏ nhất ở đây đang học lớp 1 cũng sinh hoạt theo nếp như các anh chị lớn tuổi. Mỗi chiều trở về các em tập thể thao, chăm sóc vườn rau. Buổi tối, các em được sử dụng điện thoại để gọi điện cho gia đình, người thân của mình.

Chắp cánh những ước mơ bay xa

Tại đại gia đình Hope School, em Trần Quang Bảo  (18 tuổi, TPHCM)  được xem là người"anh cả", em là học sinh đầu tiên của Hope School đi thi tốt nghiệp THPT, hạnh phúc nhất vừa qua Bảo vừa hoàn thành thi tốt nghiệp THPT và trúng tuyển vào Đại học FPT Đà Nẵng với thành tích Top 10 thí sinh có điểm xét tuyển cao nhất.

Em Trần Quang Bảo chia sẻ, ngày đi thi thật đặc biệt và khó quên trong cuộc đời em, thay vì có gia đình bên cạnh thì thầy cô nơi đây đã đưa đón, động viên, hỏi thăm trong suốt quá trình ôn thi.

"Khi nhận được tin tuyển sinh với điểm số cao, thì người đầu tiên Bảo báo tin niềm vui này là thầy Quyền (Giám đốc Dự án Hope School). Với em, thầy như là người cha, người mẹ luôn bảo ban, hướng dẫn cho em những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, ươm mầm những ước mơ", Bảo chia sẻ.

Bảo chia sẻ về nguyện vọng của mình: "Em chọn học truyền thông đa phương tiện trước hết là muốn lan tỏa, kết nối yêu thương tới mọi người trong xã hội, chia sẻ những câu chuyện tốt đẹp ở cuộc sống này mà bản thân em là một minh chứng để trẻ em thiệt thòi trong cuộc sống tin tưởng vào những điều tốt đẹp luôn ở xung quanh mình".

Vừa tan trường, "tiểu đội trưởng" Nguyễn Thiện Minh (14 tuổi) tất bật chạy trong sân nhắc nhở các em xếp hàng, điểm danh, cùng tập luyện cho ngày hội tới trường sắp diễn ra. Qua trò chuyện, được biết em Minh sinh ra trong gia đình có truyền thống theo nghề y từ ông bà đến bố mẹ, trong đại dịch, cả gia đình em đã cống hiến hy sinh rất nhiều cho công tác cứu chữa các bệnh nhân COVID-19. 

Giờ đây, chỉ còn bố, trong Minh luôn thôi thúc ước mơ làm bác sĩ được tiếp tục theo đuổi công việc y đức của gia đình mình. "Em chắc chắn làm được", ánh mắt sáng, khuôn mặt của Minh thêm rắn rỏi, tự tin hơn khi nói về ước mơ của mình.

"Môi trường tại đây luôn rèn luyện cho em sự tự tin, năng động, thầy cô cũng tạo điều kiện để em tập làm MC, đại diện phát biểu tại nhiều chương trình. Vinh dự nhất của em sắp tới đây là được cử làm đại diện phát biểu trước các bác lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong ngày hội tựu trường. Em mong rằng bố ở nhà thấy được hình ảnh ấy sẽ rất tự hào về con trai của mình", Minh hạnh phúc chia sẻ.

Gần đó, "tiểu đội trưởng" xông xáo Huỳnh Thị Nhã Trân (17 tuổi, đến từ Đồng Tháp) cũng đang cùng các bạn tích cực tập luyện tiết mục "người gieo mầm xanh" biểu diễn trong ngày trong ngày hội tới trường. 

Nhã Trân chia sẻ: "Em vào trường được gần 1 tháng. Trước đó em đã tìm hiểu kỹ về môi trường sống, học tập tại Hope School nên cũng bớt bỡ ngỡ và cố gắng sớm thích nghi, làm quen cùng các bạn. Trong 2 năm lớp 11 và 12 này, em tập trung vào các môn Toán, Lý, tiếng Anh (khối A1), để đạt được mục tiêu là trở thành Công an bảo vệ mọi người", cô gái bé nhỏ chia sẻ.

Ngày 16/9/2021, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đã khởi xướng ý tưởng xây dựng một ngôi trường dành cho các em nhỏ mất cha mẹ do COVID-19 với mong muốn tạo ra một môi trường để các em được chăm sóc, yêu thương, học tập và rèn luyện, biến đau thương thành sức mạnh, từ đó trưởng thành và góp phần xây dựng đất nước trong tương lai.

Từ đó, trường Hy Vọng được thành lập, đặt tại TP. Đà Nẵng với mong muốn chia sẻ, yêu thương, nâng bước trưởng thành cho các em. Sau gần một năm, trường đã dang rộng vòng tay trở thành nơi sinh sống, học tập của 200 học sinh đến từ 41 tỉnh thành khắp cả nước.

Hôm nay (26/8) các em sẽ tham gia Ngày hội tựu trường, dự kiến đón 350 khách mời là lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các địa phương nơi các em đến. Đây sẽ là một ngày đặc biệt, ngày mà những mầm xanh sẽ được tiếp thêm mạch nguồn của hy vọng, yêu thương và tri thức. Với hành trang đó, các em chắc chắn sẽ viết tiếp hành trình tương lai tươi sáng.

Dưới đây là những hình ảnh về cuộc sống học tập và sinh hoạt của các em học sinh tại ngôi trường Hy vọng:

Ngôi trường gieo những mầm xanh - Ảnh 3.

Giờ học của các em diễn ra sôi nổi, theo tiêu chuẩn của hệ thống giáo dục FPT - Ảnh: VGP/Minh Trang

Ngôi trường gieo những mầm xanh - Ảnh 4.

Các em tíu tít kể lại những niềm vui trên lớp cho thầy cô nghe - Ảnh: VGP/Minh Trang

Ngôi trường gieo những mầm xanh - Ảnh 5.

Những giây phút nô đùa hồn nhiên của các em "Hoper" sau giờ học - Ảnh: VGP/Minh Trang

Ngôi trường gieo những mầm xanh - Ảnh 6.

Sau giờ lên lớp, các học sinh sẽ tập trung tưới rau. Việc trồng rau là hoạt động luôn xuất hiện trong sinh hoạt hàng ngày của các "Hoper", trở thành thói quen giúp các bạn nhỏ vào nề nếp và kỉ luật - Ảnh: VGP/Minh Trang

Ngôi trường gieo những mầm xanh - Ảnh 7.

Các em học sinh rộn ràng chuẩn bị tập luyện cho ngày tựu trường. Các tiểu đội chia ra thành các đội trống, múa, hát...- Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ngôi trường gieo những mầm xanh - Ảnh 8.

Kết thúc mọi ngày học tập, các "Hoper" sẽ quây quần bên mâm cơm, vừa ăn vừa tâm sự với nhau những câu chuyện nhỏ sau một ngày dài - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ngôi trường gieo những mầm xanh - Ảnh 9.

Giờ tự học và đọc sách của các em - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Lưu Hương-Minh Trang