In bài viết

Người Ba Na đón Tết cổ truyền dân tộc

Người Ba Na có khoảng 50.000 dân, cư trú tập trung ở TP Kon Tum và một phần ở các huyện Đăk Hà, Kon Rẫy, Sa Thầy. Người Ba Na là một trong những cư dân sinh sống lâu đời ở Kon Tum với một nền văn hóa độc đáo. Họ là tộc người có dân số đông thứ 2 trong số các tộc người bản địa ở Kon Tum (sau tộc người Xơ Đăng); có vị trí quan trọng trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội ở Bắc Tây Nguyên. Với người Ba Na, lễ hội truyền thống quan trọng nhất trong năm là Lễ mừng lúa mới. Tuy nhiên hiện nay, Tết Nguyên đán cũng đã trở nên rất quen thuộc với đồng bào. Những ngày này, đi đâu cũng bắt gặp không khí náo nức chuẩn bị Tết Nhâm Thìn 2012. Các món ăn ngày Tết. Nướng cơm ống.

06/01/2012 09:35
Các món ăn ngày Tết.

“Tết Ba Na cũng có bánh chưng!” - bà Y Hương (thôn Kon Sơ Lam 2, phường Trường Chinh, TP Kon Tum) tự hào nói với chúng tôi như vậy. Bánh chưng, tiếng Ba Na gọi là “Ư guốt”. Nguyên liệu làm bánh cũng từ nếp; nhân đậu xanh, thịt heo; gói bằng lá dong, lá chuối rừng, buộc bằng lạt hay mây. Với các cô gái Ba Na, gói bánh chưng quả tình không đơn giản. Bánh tuy chưa được vuông vức, thẳng thớm, nhưng hương vị thảo thơm của nếp, của nhân bánh lại có sức thu hút rất lớn với họ. Bởi vậy, đã mấy Tết rồi, hầu như nhà nào cũng gói bánh chưng.

“Ngoài các loài cá được đánh bắt từ sông, suối cùng những món thịt heo, thịt gà, mâm cơm ngày Tết của người Ba Na thêm đủ đầy với các món ăn mang hương vị như người Kinh. Bởi đã từ lâu, nhiều gia đình ở đây đã biết nuôi heo, gà, vịt, đào ao thả cá để cải thiện bữa ăn và tăng thêm thu nhập. Không ít món ăn mới đã ra đời từ đó, chẳng như: xương heo nấu canh bí, giò heo nấu cari, lòng bò um bắp chuối rừng, cá suối nấu với lá mỳ, cơm lam, thịt nướng...” - ông A Nhiêu, một người Ba Na sinh sống lâu năm ở xã Kroong (TP Kon Tum) cho hay.
Ông A Nhứt (xã Vinh Quang, TP Kon Tum) cho biết: Hiện nay, thực hiện nếp sống mới, dân làng không tổ chức ăn Tết linh đình, uống rượu triền miên, vừa ảnh hưởng đến thời vụ, vừa tốn tiền của, lại dễ gây mất trật tự. Bà con vui xuân chủ yếu trong ba “mùng”, thêm chút dư âm “hết Tết còn Xuân” trong vài ngày sau. A Nhứt lại bảo, theo lệ làng, trong thời gian Tết, các gia đình không cho người thân đi xa, vì trong dịp Tết thì ông bà, tổ tiên và Giàng (trời) đều về ăn Tết. Nếu trong làng có ai đi xa, thì ông bà và Giàng không gặp mặt, không thể gieo phúc cho họ được.
Tết, tiếng Ba Na gọi là “Chruh- kâl”. Nếu trong những ngày cuối cùng của năm cũ, người Kinh vẫn tiễn ông Táo về trời và cúng rước ông bà về ăn Tết với cháu con; thì cũng với ý nghĩa đó, người Ba Na có hai lễ cúng. Buổi sáng, cúng Ma (ông bà, tổ tiên) và buổi chiều tối cúng Giàng. Mâm cúng có phần khá đơn giản, chỉ gồm một con gà trống, cạnh là ghè rượu cần. Mâm cúng không đặt trước sân hay đầu hè, mà đặt trong nhà, trước cây cúng. Trong nhà người Ba Na, bất kể là to hay nhỏ, giàu hay nghèo, thì tất cả đều không thể thiếu là cây cúng. Cây cúng thường nằm trước cột nhà, đối diện với cổng chính từ sân trước bước vào nhà. Cúng tạ ơn thần lúa, cúng trong các dịp đám cưới, tang ma… đều diễn ra trước cây cúng này. Để giao tiếp với tổ tiên, người Ba Na vẫn lấy sáp mật ong phơi đến độ dẻo quánh, vo nhỏ như ngón tay út, bên trong có tim đèn, đính lên cây cúng và châm lửa đốt. Trên thân cây cúng của nhà ông A Xanh (xã Ngọc Bay, TP Kon Tum) chi chít những mẩu “nến” như thế.
Nướng cơm ống.
Ngày Tết, người Ba Na đốt lửa suốt ngày đêm và luôn mở rộng cửa đón khách. Khách vào nhà, nhất định phải ăn với gia chủ bữa thịt heo hoặc gà, uống rượu cần đến khi về mới thôi. Tối mùng Một, tất cả dân làng kéo đến nhà rông vui Tết. Đó là đêm hội đầy thăng hoa, được hết thảy dân làng mong đợi. Mỗi nhà góp ít nhất một ghè rượu cần. Sắc phục thổ cẩm truyền thống lúc này cũng được đem ra chưng diện. Các bà và các cô thiếu nữ ai có trang sức đều đeo vào. Và nữa, những tấm huân chương lấp lánh trên áo thổ cẩm một số người già. Già làng và những người già trong làng khai mẻ rượu cần đầu tiên. Đội cồng chiêng do các chàng trai phụ trách, đánh cồng chiêng, nhảy múa, uống rượu suốt đêm ở nhà rông.
Đêm hội ở nhà rông là dịp để các ông, các bà, các chàng trai, cô gái, các em nhỏ trong làng quây quần tâm sự, trò chuyện; cũng là dịp để các “nghệ nhân không chuyên” trổ tài múa hát, đánh cồng chiêng, gợi lại những kỷ niệm xa xưa. Đến sáng, đội cồng chiêng tỏa đi khắp nơi, từ đầu đến cuối làng, trong suốt những ngày Tết. Những thanh âm cồng chiêng vang vọng, trầm hùng, cộng hưởng cùng tiếng vi vút của đại ngàn, tạo nên một sắc thái Xuân vùng cao rộn ràng, nao nức.
Bài và ảnh: Cao Cường