In bài viết

Người chiến sĩ Xê Đăng đam mê sáng tạo

(Chinhphu.vn) – Với niềm say mê sáng tạo, Thượng úy A Nỉ đã thực hiện 6 mô hình sáng kiến, cải tiến các loại bẫy-vũ khí tự tạo phục vụ công tác huấn luyện dân quân địa phương.

17/12/2014 10:59

A Nỉ là người say mê nghiên cứu cải tiến thiết bị huấn luyện. Ảnh: VGP/Minh Trang

Sinh ra lớn lên nơi núi rừng Tây Nguyên, chàng thanh niên người dân tộc Xê Đăng, A Nỉ (sinh năm 1980, sống tại thị trấn Đắk To, huyện Đắk To, tỉnh Kon Tum) khi trở thành quân nhân đã luôn trăn trở việc làm thế nào để có những loại vũ khí tự tạo - các loại bẫy trên rừng nhằm phục vụ huấn luyện dân quân, phù hợp với địa thế núi rừng.

Gắn bó hơn 10 năm với Ban Chỉ huy quân sự huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) trong vai trò trợ lý dân quân, sâu sát địa bàn cơ sở nên Thượng úy A Nỉ thấy được hạn chế trong huấn luyện quân sự cho dân quân của huyện, đó là chưa phát huy được cách đánh truyền thống. Đặc thù của huyện Tu Mơ Rông là địa bàn có địa hình rừng núi, sông suối hiểm trở, 100% lực lượng dân quân là người dân tộc thiểu số. Vì vậy, việc huấn luyện cho dân quân phương pháp đánh giặc truyền thống, sử dụng thành thạo vũ khí tự tạo là việc làm hết sức cần thiết.

Nhưng làm thế nào để có được các mô hình trực quan vũ khí tự tạo đưa vào huấn luyện cho lực lượng dân quân? Những trăn trở, suy nghĩ luôn thôi thúc A Nỉ từ đó.

A Nỉ còn nhớ, từ nhỏ, anh thường theo cha lên rẫy, lên rừng bẫy con chim, con thú, rồi lại được ông bà kể cho nghe những câu chuyện về cách đánh đuổi giặc ngoại xâm giữ làng, xã của lực lượng du kích bằng các loại vũ khí thô sơ tự tạo.

Từ ý tưởng đến hoàn thiện một cái bẫy, A Nỉ gặp rất nhiều khó khăn. Có khi anh phải thức thâu đêm, tìm hiểu cách làm và thu nhỏ các mô hình. Anh tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ vào rừng chặt tre nứa, lồ ô làm vật liệu và đi khắp các cửa hàng tạp hóa trong khu để tìm mua các phụ kiện như dây, sắt thép, lò xo.  Đơn vị đã tạo mọi điều kiện về thời gian, kinh phí và thường xuyên động viên, khích lệ A Nỉ.

Vừa làm anh vừa cải tiến, nâng cao tính năng của từng loại bẫy, tạo được sự liên kết giữa bẫy với thuốc nổ, lựu đạn, dao, đá và tận dụng tối đa địa hình địa vật đồi, núi, sông, suối để cài đặt từng loại bẫy. Đây là công đoạn rất quan trọng, vì với tình huống tác chiến, cần phát huy sao cho trong tích tắc, vũ khí sẽ nổ liên hoàn từ các hướng, tiêu hao được nhiều sinh lực địch cùng lúc.

A Nỉ thường tham gia Hội thi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật thiết bị huấn luyện của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Ảnh: VGP/Minh Trang

Mỗi ý tưởng, anh thiết kế trên bản vẽ A3, thử nghiệm với mô hình nhỏ hàng trăm lần ngay tại thực địa cho đến khi đạt độ chuẩn xác cực cao mới tiến hành làm mô hình lớn hơn.

Khó khăn là vậy, song với niềm say mê, đến nay A Nỉ đã sáng tạo 6 mô hình, trong đó 4 mô hình sáng kiến là bẫy dao bổ chém, bẫy hố chông, bẫy thò, bẫy phóng liên hoàn và 2 mô hình cải tiến là bẫy kéo và bẫy đá.

Từ năm 2010 đến nay, năm nào A Nỉ cũng tham gia tranh tài tại các Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình đồ dùng, thiết bị huấn luyện của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và đều đạt giải cao. Trong đó có 4 mô hình sáng kiến đạt giải B và 2 mô hình cải tiến đạt giải C.

Nói về A Nỉ, Thượng tá Lê Văn Khiêm, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tu Mơ Rông cho biết: A Nỉ là một cán bộ dân tộc thiểu số, nhưng luôn có chí hướng vươn lên, chịu khó học hỏi nâng cao năng lực trình độ. Đặc biệt, A Nỉ có niềm đam mê sáng tạo làm các loại vũ khí tự tạo có chất lượng và tính ứng dụng cao trong thực tiễn, đã góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cho dân quân địa phương.

Năm 2014, Thượng úy A Nỉ là gương mặt xuất sắc được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tuyên dương trong phong trào "Thi đua quyết thắng giai đoạn 2009-2014".

                                                                                    Minh Trang