In bài viết

Người dân Việt Nam cần sát cánh cùng Chính phủ và hệ thống y tế để chiến thắng đại dịch

(Chinhphu.vn) - Các biện pháp giãn cách xã hội chỉ thành công khi tất cả mọi người cùng đồng lòng và cùng thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch.Việc kiểm soát virus SARS-CoV-2 lây lan không chỉ là vai trò của Chính phủ và hệ thống y tế Việt Nam mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng để từ đó Việt Nam có thể một lần nữa chiến thắng được đại dịch COVID-19.

27/07/2021 16:11

TS. Kidong Park: Việt Nam đã đưa ra các biện pháp chống dịch toàn diện, hiệu quả.

Chủng Delta sẽ “thống trị toàn cầu”

Thế giới đang đối mặt với giai đoạn rất nguy hiểm của đại dịch COVID-19,  do sự xuất hiện biến chủng mới. Đặc biệt, sau khi xuất hiện, biến chủng Delta đã nhanh chóng lan ra gần 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại nhiều quốc gia, dù đã đạt tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 với tỷ lệ cao nhưng số ca mắc và số bệnh nhân tử vong đang tăng mạnh trở lại.

Theo các chuyên gia y tế thế giới đánh giá, Delta là biến chủng có khả năng lây lan nhanh nhất, mạnh nhất và đáng sợ nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Mới đây, WHO đã công bố báo cáo cho thấy, Đông Nam Á đang là khu vực có tỷ lệ tử vong cao nhất và điều nguy hiểm hơn, với tốc độ lây lan chóng mặt, biến chủng Delta sẽ trở thành chủng vượt trội trên toàn cầu trong vài tháng tới.

Trong 4 tuần qua hơn 75% các mẫu giải trình tự gen do nhiều quốc gia trên thế giới gửi đến đã được xác nhận là biến chủng Delta. Điều đáng lo ngại là, bên cạnh biến chủng Delta các nhà khoa học còn xác định được 11 biến thể mới nguy hiểm khác có độc lực rất cao.

Đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam phức tạp hơn nhiều

Tại Việt Nam biến chủng Delta là nguyên nhân chính gây ra đợt dịch thứ tư đang diễn biến rất phức tạp. Theo TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam: Đợt dịch thứ tư này phức tạp hơn nhiều so với những đợt dịch trước đây.

Biến thể Delta có mức độ lây nhiễm cao xuất hiện tại Việt Nam càng khiến cho tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng. Hiện có rất nhiều ca nhiễm cũng như các chùm ca bệnh mới không xác định được rõ nguồn gốc. Do đó nguy cơ lây lan ra cộng đồng là rất cao.

Trong thời gian tới, WHO dự đoán số lượng ca bệnh và các bệnh nhân tử vong vì dịch bệnh COVID-19 sẽ tiếp tục tăng lên. Các cơ sở y tế cũng có thể phải đối mặt với tình trạng quá tải.

TS. Kidong Park nhấn mạnh: Một vài tuần sắp tới sẽ rất quan trọng để xem với việc áp dụng nghiêm ngặt Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ liệu chúng ta có thể kiểm soát được tình trạng lây lan của dịch bệnh tại Hà Nội, TPHCM và các tỉnh thành khác hay không?

Việt Nam đã đưa ra các biện pháp chống dịch toàn diện, hiệu quả

Đánh giá về những nỗ lực và biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 Việt Nam đang triển khai, TS. Kidong Park nêu rõ: Ngay từ khi đại dịch bắt đầu xuất hiện cho đến nay, người dân Việt Nam vẫn tin tưởng vào cách tiếp cận toàn xã hội trong phòng chống dịch bệnh của Chính phủ, do Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh COVID-19 đưa ra.  

Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng toàn diện, chú trọng tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do dịch bệnh. Đây đều là những biện pháp quan trọng, mang lại hiệu quả trong việc phòng tránh lây lan dịch bệnh, giảm số lượng các ca tử vong do COVID-19.

TS. Kidong Park khẳng định: Việc thực hiện mạnh mẽ các biện pháp này, kết hợp với việc xác định nhanh các ca bệnh nhờ thực hiện xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, cách ly là yếu tố then chốt trong kiểm soát dịch bệnh.

Sát cánh cùng Chính phủ và hệ thống y tế để chiến thắng đại dịch

Tuy nhiên Đại diện WHO cũng khuyến cáo người dân: Chúng ta cần phải hiểu rằng, các biện pháp giãn cách xã hội chỉ thành công khi tất cả mọi người cùng đồng lòng và cùng thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch.

Chuyên gia WHO kêu gọi: Chúng ta phải luôn sát cánh bên nhau trong “trận chiến” này.

Việc kiểm soát virus SARS-CoV-2 lây lan không chỉ là vai trò của Chính phủ và hệ thống y tế Việt Nam mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng để từ đó Việt Nam có thể một lần nữa chiến thắng được đại dịch COVID-19 - TS. Kydong Park nhấn mạnh.

Đồng lòng thực hiện 5K

Cho đến nay, biến thể Delta đã xuất hiện tại 124 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.  Ngày càng có nhiều bằng chứng, chứng minh sự nguy hiểm của biến thể này. Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Trung Quốc cũng cho thấy biến chủng này phát triển nhanh hơn, với tải lượng virus cao hơn nhiều lần so với các biến thể trước đây – TS. Kidong Park chia sẻ và nhấn mạnh: Dù có là biến thể nào thì các biện pháp bảo vệ mà chúng ta đang áp dụng vẫn sẽ có hiệu quả.

Đại diện WHO khuyến cáo: Mọi người cần tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt nguyên tắc 5K. Chúng ta cần đeo khẩu trang, tránh không gian kín, tránh tụ tập đông người, rửa tay thường xuyên. Tất cả các biện pháp này đều có vai trò quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh.

Ngoài ra với tất cả các biến thể virus mới xuất hiện, trong đó có cả biến thể Delta, tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn sẽ là một biện pháp hữu hiệu. Với tư cách là đồng lãnh đạo cơ chế COVAX, WHO đã và đang phối hợp sát sao với Chính phủ Việt Nam để đảm bảo nguồn cung vaccine phòng COVID-19.

TS KidongPark cho biết, cho đến nay, Việt Nam đã nhận được gần 7,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Trong các tuần tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển nhiều lô vaccine hơn tới Việt Nam để giúp Chính phủ Việt Nam bảo vệ cuộc sống của người dân./.