Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết: Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm cho vay tiết kiệm nhà ở” sẽ tập trung phân tích, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm giúp các cơ quan Bộ, ngành, các hiệp hội bất động sản và công chúng hiểu thêm về các quy định pháp lý về tiết kiệm nhà ở theo Luật Nhà ở 65/2014/QH13và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, qua đó giúp cho NHCSXH đưa ra các giải pháp hữu hiệu về tiết kiệm cho vay nhà ở tại Việt Nam.
Theo ông Dương Quyết Thắng hiện nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH đạt 185.038 tỷ đồng, với 6,7 triệu khách hàng đang vay của 20 chương trình tín dụng ưu đãi. Trong đó có 4 chương trình cho vay về nhà ở là hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; cho vay nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ ĐBSCL và chương trình NƠXH theo Nghị định 100 của Chính phủ.
Riêng các chương trình tín dụng về NƠXH đã có tổng doanh số cho vay 7.611 tỷ đồng, trên 682 ngàn hộ được vay vốn, dư nợ đạt 6.397 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn ưu đãi đã xây dựng được 568 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách; 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng ĐBSCL, trên 13 nghìn căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; có gần 2.000 hộ vay mua, xây nhà xã hội.
Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, phát triển nhà ở xã hội là một chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, tạo cơ hội cho hàng triệu người thuộc nhóm đối tượng chính sách xã hội có cơ hội được “an cư lạc nghiệp”. Ông Bùi Sĩ Lợi hy vọng, qua Hội thảo lần này những vấn đề đặt ra từ thực tiễn triển khai cho vay NƠXH và kinh nghiệm cho vay tiết kiệm nhà ở tại CHLB Đức sẽ được các đại biểu nghiên cứu, tìm hiểu để hoàn thiện dự thảo chính sách phát triển NƠXH tại Việt Nam, đóng góp tích cực vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong thời gian tới, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cũng sẽ quan tâm, ưu tiên nguồn vốn để NHCSXH triển khai hiệu quả Chương trình cho vay NƠXH.
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán CHLB Đức Jörg Rüger cho biết, thành công trong thực hiện cho vay NƠXHvà mô hình tiết kiệm nhà ở tại CHLB Đức sẽ là những kinh nghiệm quý giá giúp NHCSXH Việt Nam xây dựng dự thảo tiết kiệm nhà ở và nắm bắt được những thông tin về tiết kiệm nhà ở từ BSH để vận dụng hợp lý vào điều kiện tại Việt Nam. Ông Jörg Rüger đánh giá cao mô hình và hoạt động của NHCSXH Việt Nam và xem đây bài học thành công và sáng kiến của Chính phủ Việt Nam về cho vay giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và NƠXH.
Tại hội thảo, ông Michael Dorner, Giám đốc các dự án Hợp tác quốc tế của BSH đã chia sẻ kinh nghiệm của BSH về cho vay tiết kiệm nhà ở và những khuyến nghị cho NHCSXH Việt Nam. Theo ông, nguồn vốn huy động của BSH là từ đóng góp của người lao động thông qua hợp đồng tiết kiệm. Khách hàng có nhu cầu nhà ở trong tương lai thỏa thuận với BSH về mức tiền tiết kiệm và thực hiện tiết kiệm hàng tháng với lãi suất cố định. Khi đã tiết kiệm được tối thiểu 50% giá trị nhà ở cần mua, khách hàng được vay 50% còn lại với lãi suất thấp, cố định đã thỏa thuận khi ký hợp đồng tiết kiệm.
Ông Rolf Stadel, Giám đốc Dự án Việt Nam của BSH giới thiệu tới hội thảo các chính sách của Chính phủ CHLB Đức về tiết kiệm nhà ở như khung pháp lý về tiết kiệm nhà ở,quy chế hoạt động của BSH, hỗ trợ bù lãi suất, thưởng trực tiếp cho người tham gia tiết kiệm…
Tại hội thảo, đại diện NHCSXH cũng trình bày về hiệu quả của các chương trình tín dụng NƠXH do NHCSXH Việt Nam thực hiện, trong đó có Chương trình cho vay NƠXH theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP. Cụ thể, đến thời điểm hiện tại đã có 55 tỉnh, thành phố triển khai cho 2.000 hộ vay, dư nợ đạt gần 500 tỷ đồng. Theo kế hoạch được Chính phủ giao năm 2018 NHCSXH cũng sẽ hoàn thành cho vay 1.000 tỷ đồng...
Theo ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng: Nhu cầu về NƠXH tại Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có đô thị, khu công nghiệp phát triển. Theo tính toán của Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2020, tại các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và khoảng 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Đến năm 2020 cần xây dựng được 12,5 triệu m2 nhà ở để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người thu nhập thấp ở các đô thị và công nhân khu công nghiệp.
Ông Phấn kiến nghị các Bộ, ngành có liên quan cần báo cáo Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung thêm nguồn vốn cho NHCSXH để có đủ nguồn vốn cho vay NƠXH trong thời gian tới, có như vậy thì mới tăng được nguồn cung về NƠXH cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp mới có điều kiện cải thiện chỗ ở, góp phần thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội.
Kết luận hội thảo, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý khẳng định: Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm nhà ở” đã khắc họa rõ nét hơn bức tranh mô hình tiết kiệm nhà ở - kinh nghiệm của CHLB Đức và các nước trên thế giới, hệ thống pháp luật bảo vệ người gửi tiền tiết kiệm nhà ở cũng như các nguyên lý hoạt động của hệ thống tiết kiệm nhà ở và kinh nghiệm phát triển Ngân hàng tiết kiệm nhà ở của CHLB Đức tại các nước Đông Âu và Trung Quốc. Chương trình cho vay NƠXH theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Việt Nam là chương trình cho vay mới, NHCSXH đã và đang từng bước hoàn chỉnh các biện pháp, thể chế tạo thuận lợi quản lý nguồn vốn. Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh thành công của hội thảo là cơ hội quý báu để NHCSXH tham khảo, học hỏi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và cũng là cơ hội để NHCSXH giao lưu, góp phần hội nhập kinh tế quốc tế.