Những người lính của Tiểu đội Cột cờ năm xưa-Ảnh do nhân vật cung cấp |
Nhiệm vụ của Tiểu đội Cột cờ trong những ngày Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc là quan sát Hà Nội và vùng phụ cận, bằng mắt thường, hay qua ống nhòm, trong từng trận ném bom để báo cáo diễn biến cho Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu.
Ông Dương Sỹ Nguyên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Úc Kỳ, trên đường dẫn chúng tôi đến nhà ông Thịnh cứ tấm tắc mãi: “Mỗi lần nghe anh Thịnh kể về những ngày tháng làm nhiệm vụ bảo vệ Cột cờ Hà Nội dưới bom đạn của đế quốc Mỹ, chúng tôi luôn cảm thấy tự hào về ý chí quật cường của quân và dân ta”.
Qua câu chuyện bên chén trà nóng, ông Thịnh cho biết từ năm 1966, ông đã được điều chuyển sang tiểu đội Cột cờ Hà Nội.
Hàng ngày, tiểu đội chia làm 3 ca thay nhau trực. Mỗi ca có 4 người, chia làm 4 hướng. Mỗi người chịu trách nhiệm quan sát một hướng nhất định. Cả tiểu đội bao quát toàn bộ các vị trí ở Hà Nội, kịp thời báo cáo diễn biến từng trận đánh về Cục Tác chiến bằng điện thoại.
Bình thường trên đỉnh Cột cờ rất bằng phẳng, nhưng trong những trận ném bom, mỗi người lính tự buộc mình vào cột thu lôi trên cột cờ bằng dây dây da cho khỏi bị ngã, nhất là trong những trận bom ném gần ga Hà Nội, phố Khâm Thiên, Cửa Nam...
Biết mình có thể hi sinh bất kể lúc nào, nhưng ông Thịnh và đồng đội luôn tâm niệm lời thề trong bất kể tình huống nào, cũng không rời vị trí.
Từ Cột cờ Hà Nội, nhiều lần ông Thịnh và đồng đội vô cùng đau xót khi chứng kiến cảnh tàn phá khủng khiếp của những trận bom Mỹ rải xuống Hà Nội và vùng phụ cận.
“Có lần tôi đang làm nhiệm vụ, máy bay Mỹ đến oanh kích Hà Nội, ném bom cầu Long Biên. Mới đầu, chúng thả bom hơi, rồi bom phá, cuối cùng là bom tấn làm mấy nhịp cầu đổ sập xuống, trời đất mù mịt. Người tôi giật tung lên. Có nhiều lúc chúng tôi cảm tưởng như bom nổ ngay bên mình”, ông Thịnh nhớ lại.
Song mọi thành viên trong Tiểu đội Cột cờ đều nén đau thương để nhìn kỹ, nhìn chính xác vị trí của từng trận ném bom của địch để báo cáo về Cục Tác chiến, góp phần cung cấp thông tin trong việc xây dựng các phương án phòng không hiệu quả cho Thủ đô.
Ông Trần Đức Thịnh đang xem lại những kỉ vật thời chiến tranh-Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng |
12 ngày đêm rực lửa ấy, máy bay Mỹ rải bom dữ dội xuống Thủ đô và các tỉnh lân cận, ông cùng đồng đội làm việc suốt đêm không ngủ. Cứ mỗi lần nghe tiếng báo động, mọi người xuống hầm trú ẩn còn cả Tiểu đội Cột Cờ lại lên vị trí quan sát không sợ mưa bom bão đạn của kẻ thù.
“Lúc đó, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Chúng tôi biết mình có thể hi sinh bất cứ lúc nào. 12 người chúng tôi cầm tay nhau đứng dưới chân Cột cờ cùng thề sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc”, ông Thịnh nói.
Đêm 19/12/1972, máy bay B-52 của Mỹ liên tục dội bom xuống Thủ đô làm rung chuyển đất trời. lực lượng phòng không Việt Nam đáp trả bằng tên lửa, pháo phòng không sáng rực cả bầu trời.
Xác máy bay B-52 bị bắn rơi, cháy đỏ rực. Các mảnh vỡ bay tung tóe...
Giờ đây, hồi tưởng về những ngày tháng không thể nào quên ấy, trong tình cảm của người cựu chiến binh vẫn còn nguyên vẹn niềm tự hào. Ông nói: “Chúng tôi không sợ bom đạn của kẻ thù. 12 người lính trong tiểu đội Cột cờ đều thấy vinh dự và tự hào khi được làm nhiệm vụ dưới lá cờ Tổ quốc giữa Thủ đô Hà Nội trong những ngày tháng rực lửa ấy”.
Nguyễn Thắng