Tháng 7/2019, Giám đốc Công ty TNHH MTV ĐTPT Đại Thành (công ty TNHH MTV do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ) được bổ nhiệm là Chủ tịch công ty. Đến nay, công ty chưa bổ nhiệm được chức danh Giám đốc công ty.
Bà Nguyễn Thị Tố Quỳnh (tỉnh Đắk Nông) hỏi, Chủ tịch công ty có được ký tên chủ tài khoản khi giao dịch về tài chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày của Công ty không? Nếu không được thì ai là người ký tên chủ tài khoản khi giao dịch về tài chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày của Công ty?
Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 75; Khoản 2 Điều 78; Khoản 1 Điều 80 và Khoản 1 Điều 81 Luật Doanh nghiệp năm 2014 (tình trạng còn hiệu lực):
Chủ sở hữu công ty TNHH MTV là tổ chức có quyền quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, trong đó có quy định về người đại diện theo pháp luật của công ty.
Chủ tịch công ty do chủ sở hữu bổ nhiệm. Chủ tịch công ty nhân danh chủ sở hữu thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; nhân danh công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ quyền và nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công ty về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao theo quy định của Luật này, pháp luật có liên quan và Điều lệ công ty.
Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Chủ tịch công ty có quyền bổ nhiệm hoặc thuê Giám đốc hoặc Tổng giám đốc với nhiệm kỳ không quá 5 năm để điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty.
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch công ty về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Chủ tịch công ty có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trừ trường hợp pháp luật, Điều lệ công ty có quy định khác.
Đối với người giữ chức danh, chức vụ tại công ty TNHH MTV mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, tại Điểm b Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 97/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ (tình trạng còn hiệu lực) quy định, người được bổ nhiệm Chủ tịch công ty không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc, Giám đốc tại tập đoàn, tổng công ty, công ty mình và các doanh nghiệp khác.
Trường hợp bà Nguyễn Thị Tố Quỳnh phản ánh, tháng 7/2019, Giám đốc Công ty TNHH MTV ĐTPT Đại Thành (do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ) được chủ sở hữu bổ nhiệm là Chủ tịch công ty. Nhưng từ đó đến nay, công ty chưa bổ nhiệm được chức danh Giám đốc công ty.
Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 97/2015/NĐ-CP, Chủ tịch công ty TNHH MTV mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ không được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc công ty. Vì vậy, căn cứ thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 81 Luật Doanh nghiệp, Chủ tịch công ty cần khẩn trương thực hiện việc bổ nhiệm chức danh Giám đốc công ty.
Căn cứ Khoản 1 Điều 13 và Khoản 2 Điều 78 Luật Doanh nghiệp, trường hợp Điều lệ Công ty không quy định người đại diện theo pháp luật, hoặc quy định Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật, thì cá nhân Chủ tịch công ty đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp này, Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty, đứng tên chủ tài khoản của công ty mở tại Ngân hàng, ký tên chủ tài khoản khi công ty có giao dịch về tài chính. Sau khi bổ nhiệm Giám đốc công ty mới, Chủ tịch công ty có thể ủy quyền cho Giám đốc công ty ký tên chủ tài khoản khi có giao dịch.
Trường hợp chủ sở hữu công ty sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, quy định công ty có 2 người đại diện theo pháp luật là Chủ tịch công ty và Giám đốc công ty thì, mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ được quy định cụ thể trong Điều lệ công ty.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.