Thông thường, địa điểm làm việc trên giấy phép là địa điểm của doanh nghiệp hoặc chi nhánh, địa điểm kinh doanh thuộc doanh nghiệp nơi người lao động làm việc. Trên thực tế, đối với những ngành nghề có tính chất linh hoạt như: Công nghệ thông tin, Marketing, Designer…thì người lao động không bắt buộc phải có mặt tại doanh nghiệp để hoàn thành công việc.
Do đó, người sử dụng lao động thường tạo điều kiện để người lao động được làm việc tại nhà, điều này dẫn đến người lao động nước ngoài rơi vào trường hợp làm việc không đúng với nội dung trong giấy phép lao động đã được cấp, bị thu hồi giấy phép lao động do hết hiệu lực và doanh nghiệp có nguy cơ bị xử phạt vi phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Qua nghiên cứu, Công ty thấy có chính sách khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện người lao động được làm việc tại nhà theo quy định tại Khoản 2 Điều 135 và Điều 167 Bộ luật Lao động 2019.
Như vậy, luật cho phép người sử dụng lao động linh hoạt trong việc bố trí địa điểm làm việc của người lao động nên có thể xem xét việc cho người lao động làm việc tại nhà thuộc trường hợp pháp luật có quy định khác và doanh nghiệp không thuộc trường hợp bị xử phạt theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 32 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP.
Công ty Luật TNHH MTV AMI hỏi, vậy doanh nghiệp cho phép người lao động nước ngoài làm việc tại nhà thì có vi phạm quy định không?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Hiện nay chưa có quy định cho phép người lao động nước ngoài tại Việt Nam được làm việc tại địa điểm không đúng nội dung trong giấy phép lao động đã được cấp.
Chinhphu.vn