In bài viết

Người phát ngôn Bộ Công an thông tin về các vụ án tại FLC, Phúc Sơn

(Chinhphu.vn) - Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 ngày 02/3, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã cung cấp nhiều thông tin đáng chú ý liên quan đến các vụ án 'nóng' thời gian qua: vụ Tân Hoàng Minh-FLC trước đó và vụ tập đoàn Phúc Sơn vừa khởi tố cuối tháng 2.

02/03/2024 18:45

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, vụ án FLC - Tân Hoàng Minh đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về hiện tượng thao túng thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu.

Cụ thể, qua quá trình điều tra, cơ quan điều tra phát hiện việc thao túng TTCK của FLC thể hiện qua 2 hành vi:

Hành vi thứ nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Trịnh Văn Quyết chỉ đạo lập và ký khống hồ sơ góp vốn tại Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros, nâng khống 3.102 tỷ đồng (từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng). Sau đó hợp thức hóa hồ sơ để cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán chấp nhận đăng ký lưu ký, từ đó thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng.

Hành vi thứ hai là thao túng TTCK: Quyết chỉ đạo mượn giấy tờ cá nhân của 45 người thân trong gia đình, lập 20 công ty nhưng không hoạt động kinh doanh, sử dụng danh tính pháp nhân để mở 500 tài khoản chứng khoán thao túng chứng khoán. Thủ đoạn thao túng là liên tục mua bán cùng 1 loại chứng khoán, thứ hai là mua bán khớp lệnh nội nhóm, thứ ba là đặt nhiều lệnh mua, bán vào thời điểm mở cửa và đóng cửa, thứ tư là đặt nhiều lệnh mua bán sau đó hủy nhằm tạo cung cầu giả và lùa nhà đầu tư mua theo. Từ 26/5/2017- 10/01/2022 nhóm này đã sử dụng 190 tài khoản để thực hiện hành vi thao túng, thu lợi bất chính 723 tỷ.

Trung tướng Tô Ân Xô cũng nêu ra 6 bài học từ vụ việc này cần khắc phục trong công tác quản lý nhà nước và một số quy định pháp luật liên quan như sau: 1. Thiếu kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan chức năng đối với việc góp vốn điều lệ tại các doanh nghiệp (Tổ chức, cá nhân tự khai) dẫn đến khai khống, hợp thức hóa vốn. 2. Thiếu kiểm soát việc mở tài khoản chứng khoán, mở rất dễ dàng, nhờ người khác đứng tên, mở nhiều tài khoản. 3. Chế tài xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm 4. Quy định quản lý nhà nước về chất lượng dịch vụ kiểm toán, trách nhiệm cá nhân chưa cụ thể, lỏng lẻo. 5. Thiếu kiểm soát của mạng xã hội nên một số đối tượng lợi dụng hội nhóm kín hô hào lôi kéo nhà đầu tư điều khiển, thao túng. 6. Chưa có quy định, hướng dẫn cơ sở pháp lý trong việc xác định thiệt hại cho nhà đầu tư tham gia trong giai đoạn chứng khoán bị thao túng.

Làm giàu không được xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước và nhân dân

Về vụ án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Công ty Phúc Sơn hoạt động từ năm 2004, chủ yếu xây lắp ở huyện, sau đó "vươn mình" từ năm 2015 có nhiều công trình từ Bắc tới Nam. Đến nay có 21 dự án với tổng mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra bước đầu xem xét 2 dự án tại Vĩnh Phúc thấy việc bỏ ngoài sổ sách, không kê khai hệ thống tài chính, trốn thuế gây thiệt hại cho NSNN là trên 640 tỷ đồng. Hiện còn nợ thuế hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhiều dự án bất động sản chưa đủ điều kiện để bán mà công ty đã bán và thu tiền nhưng không giao đất cho nhà đầu tư, gây thiệt hại cho người dân hàng chục nghìn tỷ đồng.

Qua đó, có thể thấy trách nhiện của cơ quan quản lý là: Không kiểm soát hoạt động kê khai tài chính, mặc dù doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, thuế mà vẫn hoạt động, không nắm được năng lực thực tế của doanh nghiệp khi nhận dự án. Ví dụ DN này ban đầu là doanh nghiệp nhỏ cấp huyện nhưng vươn đến khắp nơi, trúng thầu nhiều dự án nghìn tỷ đồng, trong khi nhiều tập đoàn không nhận được các dự án lớn như thế này. Phó Tổng giám đốc của công ty Phúc Sơn mới học xong chương trình lớp 4/12. "Nghèo vượt khổ là tốt, là đáng khuyến khích nhưng trong quá trình làm giàu không được xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước và nhân dân", Trung tướng Tô Ân Xô chia sẻ. Cơ quan điều tra đang tập trung làm rõ, mở rộng điều tra sớm xử lý đúng người đúng tội, thu hồi tài sản cho Nhà nước và nhân dân.